ACV có đi ngược lại quyết định của Thủ Tướng?

Nguyễn Bá| 22/02/2019 15:52

TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng ACV đang sai lầm khi đi ngược lại quyết định của Thủ Tướng, thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu hành khách/năm trên diện tích chỉ 16ha.

Liên quan đến đề xuất của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (viết tắt là ACV) xây dựng dự án nhà ga hành khách T3 của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn xây dựng chỉ còn khoảng 100.000 m2, công suất là 20 triệu khách/năm trên diện tích đất là 16ha, dư luận đang có nhiều ý kiến bức xúc.

Trước đó, năm 2017, Chính phủ đã mời đơn vị tư vấn độc lập ADPi Engineering của Pháp (sau đây viết tắt là ADPi) nghiên cứu, khảo sát và đề xuất quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi nghiên cứu, đơn vị này đã trình phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất và được Chính phủ cùng các cơ quan Bộ, Ban, Ngành thống nhất phê duyệt.

Theo đó, nhà ga hành khách T3 sẽ mở rộng, có công suất 20 triệu khách/năm, diện tích sàn xây dựng khoảng 200.000 m2 (lớn hơn các nhà ga T1, T2 hiện có), được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 26ha hiện tại đang được Bộ Quốc phòng quản lý. Diện tích đất phía Bắc, trong đó có đất sân golf do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn….

Kết quả này đã nghiên cứu rất chi tiết, cụ thể về mức độ quá tải, hệ thống thoát nước, môi trường, chi phí vận hành của sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2020, định hướng đến 2030.

Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống phân tích sự bất cập trong đề xuất của ACV

Thế nhưng, mới đây nhất ACV lại đề xuất một dự án nhà ga hành khách T3 với việc thu hẹp diện tích còn khoảng 16ha (bằng một nửa so với nghiên cứu của ADPi), công suất vẫn giữ nguyên 20 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư khoảng 11.400 tỷ đồng và thực hiện trong vòng 4 năm.

Với đề xuất này, hoàn toàn đi ngược lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước đó. Điều này cũng khiến dư luận bức xúc, bởi từ trước đến nay, sân bay TSN là điểm đen của tình trạng quá tải. Nếu “nhồi” 20 triệu khách/năm trên mức tổng diện tích chỉ khoảng 16ha, liệu có khả thi?.

TS. Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống bày tỏ: “Nếu để Tân Sơn Nhất hoạt động được với công suất tối đa, chúng ta phải mở rộng, xây thêm nhà ga trên diện tích 200.000 m2. Còn việc mở rộng ít hơn chỉ phát huy được hiệu quả ngắn hạn. Việc ACV đề xuất mở rộng sân bay chỉ trên 16 ha, tức là diện tích nhà ga chỉ 100.000 m2 (giảm một nửa so với thiết kế của Bộ GTVT và Tư vấn Pháp trước đó là quá thiếu khả thi).

Tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư mà không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân? Tôi nhớ cách đây 9 năm, Công ty HKLD Ngôi Sao Việt đã từng đề xuất ý tưởng và đưa ra phương án xây dựng nhà ga HKLD tại Tân Sơn Nhất. Công ty này có liên danh với quân đội. ACV trước đây có đoái hoài gì đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đâu mà phải giao cho họ làm? Họ chỉ chăm chăm xây sân bay Long Thành thôi, thì để họ tập trung làm cho tốt dự án đó.

Theo tôi, trước mắt nên xây ngay nhà ga với công suất 10 triệu khách/năm ở phía Nam sân bay. Vietstar đã đã thuê tư vấn làm xong quy hoạch, thiết kế chi tiết và đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định xong rồi. Họ có thể làm rất nhanh, 18 tháng là cùng.

Ông Tống cho rằng, có thể ACV kéo dài thời gian thực hiện dự án là bởi sân bay Long Thành. Theo dự kiến, năm 2023 sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dù có hay không có Long Thành thì sân bay tân Sơn Nhất vẫn phải phát triển với công suất thiết kế tối đa có thể là 50-60 triệu hành khách/năm, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng, các tỉnh thành phía Nam.

“Vì thế, việc xây dựng thêm ga hành khách là điều vô cùng cần thiết, mà cần thiết từ nhiều năm rồi không phải đến bây giờ. Tôi xin nói về việc xây dựng ga hành khách hiện nay đâu có gì ghê gớm đâu mà ACV nói rằng cần đến 4 năm. Hãy thử tưởng tưởng trong 4 năm nữa TSN sẽ ùn tắc khủng khiếp đến mức nào?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ACV có đi ngược lại quyết định của Thủ Tướng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO