Nhiều năm qua, các hộ dân tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu vẫn liên tiếp khiếu nại đề nghị chính quyền giải quyết và đảm bảo quyền lợi về đất đai của mình.
Đại diện 6 hộ dân khiếu nại xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Phản ánh tới Công lý & Xã hội, bà Trần Thị Thành (sinh năm 1950, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đại diện 6 hộ dân gồm: Bà Lê Thị Mộng Thu; Bà Nguyễn Thị Vân; Bà Nguyễn Thị Tâm; Bà Đặng Thị Vân; Bà Hồ Thị Chức cho biết, nhiều năm qua, các hộ dân đã liên tiếp khiếu nại, tố cáo đòi lại phần đất của gia đình khai phá từ trước, đến nay chỉ nhận “những cái lắc đầu”. Và mới đây nhất, theo Thông báo số 6923/TB-UBND ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai, vẫn là “điệp khúc” không có cơ sở xem xét giải quyết.
Bà Thành cho biết, cuối năm 1975, gia đình bà cùng với hơn 200 hộ dân khác hưởng ứng chủ trương Nhà nước, đi kinh tế mới khai phá vùng đất rừng để tìm kế mưu sinh. Gia đình bà Thành đã khai phá 8.500m2 đất rừng ở xã Cây Gáo (nay là thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) để trồng bắp, đậu…
Và khi đến khai hoang, làm kinh tế mới tại đây, nơi rừng thiêng nước độc, căn bệnh sốt rét đã cướp đi bao mạng người trong hành trình khai hoang buổi ấy. Đến giờ, tuy chưa có con số thống kê chính xác về người chết vì sốt rét, bệnh tật, nhưng để có mảnh đất như hôm nay, họ đã nằm xuống rất nhiều. Không ít gia đình mất 2, 3 người vì sốt rét rừng.
Kết luận Thanh tra số 6149/KLTT-UBND-NC của tỉnh Đồng Naingày 28/5/2005
Đến năm 1983, chính quyền tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm giao 480ha cho Ban Quản lý công trình Thủy điện Trị An để khởi công xây dựng và buộc các hộ đi kinh tế mới phải di dời. Phần đất các hộ dân di dời phần thì làm nhà máy, phần còn lại 290ha làm kho bãi tập kết vật tư, nhà xưởng, lán trại để phục vụ cho công trình.
Thời điểm đó, ai cũng coi đây là nghĩa vụ trước một công trình vĩ đại của quốc gia. Trị An thời bấy giờ như một tiếng gọi thiêng liêng, cả nước hướng về Trị An. Những người dân kinh tế mới dù bị mất đất, chuyển qua nghề khác sinh nhai như làm thuê, bán vé số sống qua ngày nhưng lòng họ vẫn còn chút an ủi là mình đã đóng góp một phần cho dòng điện Trị An.
Năm 1988, công trình thủy điện đi vào hoạt động, vành đai an toàn bảo vệ lòng hồ được xác định thì hầu hết đất đã thu hồi không bị ảnh hưởng. Bà Thành cùng các hộ khác quay về phần đất của mình tiếp tục canh tác nhưng chính quyền xã, huyện ngăn cản, cưỡng chế.
Một hộ dân cho biết: “Hàng trăm hecta đất của dân khai hoang bị các quan chức từ xã đến tỉnh chia nhau bao chiếm làm của riêng, phân phát cho người nhà. Nỗi oan ức của bà cũng như hàng trăm hộ khác bắt đầu từ đây”.
Theo kết luận của Thanh tra số 6149/KLTT-UBND-NC của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 28/5/2005, trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2002 các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Vĩnh Cửu đã cấp đất trái phép cho 539 trường hợp với tổng diện tích 115.423,8m2. Trong quá trình sử dụng, các cá nhân đã tự lấn chiếm đất công với tổng diện tích 253.707,4m2. Đến thời điểm kiểm tra đã có 73 trường hợp được cấp GCN QSDĐ, trong đó có 42.268,6m2 là diện tích đất công bị lấn chiếm nhưng vẫn được cấp GCN QSDĐ.
Bà Trần Thị Thành đãđược chính quyền cho phép kê khai và có Biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất từ năm 2015
Nổi bật nhất là trường hợp ông Nguyễn Ngọc Chiến - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An đăng ký sử dụng 14.025m2, trong đó chỉ có 1 quyết định được cấp 108m2 đất ở và 4.000m2 đất mượn của UBND huyện, còn lại là đất công do ông Chiến bao chiếm, Ông Chiến đã cho vợ 324,9m2, cho con 1,756,1m2 và đã được cấp GCN QSDĐ và cho em 8.155,4m2 bán thu lợi cá nhân. Nhiều trường hợp cấp đất sai thẩm quyền, lấn chiếm và sang nhượng trái phép của các quan chức nhưng vẫn được chính quyền địa phương hợp thức hoá.
Trao đổi với phóng viên, 6 hộ dân cho biết, trong số 8.500m2 đất rừng đã khai phá, gia đình bà Thành đang quản lý sử dụng 2.000m2 để trồng tràm và đã có đăng ký kê khai tại các thửa 55, 56, 57, 58 tờ bản đồ 60 (tổ 1, KP 8). Tràm được trồng từ năm 2012, đã thu hoạch được 1 mùa (8 năm), hiện đã trồng lại mùa mới. Điều đáng nói phần đất trên bà Thành đã có biên nhận hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Bà Thành cho biết, phần đất 2.500m2 tại các thửa 08, 09, 95, tờ bản đồ số 77 của bà Thanh bị UBND xã Cây Gáo lấy để xây trụ sở khu phố, nhưng thực chất là ông Trịnh Văn Chắn (cán bộ Kiểm lâm) và ông Vũ Lai (chủ tịch UBND xã Cây Gáo) chia nhau chiếm giữ để trồng tràm và nạo vét đất đem bán cho nhiều người khác. Riêng phần đất 4.000m2 tại Đồi Nghệ, ông Vũ Lai cấp phần đất này cho người khác. Bà Thành nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp yêu cầu trả lại đất, đến nay chưa có cơ quan nào giải quyết.
Còn bà Lê Thị Mộng Thu (hộ của ông Ngọt- PV) cho biết, gia đình bà đã bị thu hồi 29ha từ năm 1983, sau đó được chính quyền địa phương hứa cấp lại 3 lô đất để canh tác (mỗi lô 1.500m2). Khi đến nhận, gia đình bà Thu chỉ được 1 lô (có Biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất) nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ dù gia đình bà vẫn đang quản lý sử dụng. Hiện tại 2 lô còn lại đã bị các hộ khác lấn chiếm, đang mua bán qua lại bằng giấy tay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Vân (hộ ông Nguyễn Tốt- PV) cho biết, gia đình bà giao toàn bộ phần đất tại tổ 1, khu phố 8 cho công trình Thủy điện Trị An sử dụng, trong đó có 6.000m2 nằm ngoài công trình nên gia đình bà xin lại để canh tác. Bà Vân vẫn đang quản lý sử dụng khoảng 2.813m2 để trồng tràm, đã có Biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 2.313m2, thửa số 20, 21 tờ bản đồ 61. Số đất còn lại bị bà Đặng Thị Lý lấn chiếm, sang bán qua lại cho người khác.
Khi được hỏi, trách nhiệm của UBND huyện Vĩnh Cửu đến đâu trong vai trò quản lý, giám sát về lĩnh vực đất đai trên địa bàn, đã buông lỏng gây bức xúc dư luận trong thời gian dài, ông Thái Vân Sơn - Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Cửu Ông Sơn trả lời, vụ việc xảy ra đã lâu và kéo tới hôm nay, ông là người mới được bổ nhiệm nên không nắm rõ, không thể trả lời ngay được, yêu cầu phóng viên để lại câu hỏi sẽ trả lời sau.