Vụ tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn: Chúng ta đang ngày càng vô cảm?

T.Thành| 12/07/2019 18:22

Khi con người trơ lì cảm xúc, dửng dưng, vô cảm với những sự vật, hiện tượng xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, dễ dàng cúi đầu, thỏa hiệp với cái ác, đó là lúc các giá trị đạo đức truyền thống không còn... đất sống.

Rạng sáng ngày 25/6/2019, trên địa bàn phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo hình ảnh camera ghi lại, vào khoảng 3h12p ngày 25/6/2019, chị Nguyễn Thị Mỹ T. (25 tuổi, quê Bến Tre) cùng anh Nguyễn Hoàng L đèo nhau bằng xe máy, di chuyển theo hướng từ đường Bình Long đi đường Độc Lập. Khi đến đoạn giao với đường Võ Công Tôn (thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM), xe máy va chạm với xe taxi do ông Nguyễn Tấn Phú (48 tuổi, ở Quận 5, TP.HCM) điều khiển.

Sau khi va chạm, chị T tử vong tại chỗ, còn anh L bị thương nặng.

Điều đáng nói là sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Phú xuống xe nhìn hai nạn nhân, rồi lẳng lặng bỏ đi. Hành động của tài xế này khiến dư luận phẫn nộ.

Đến ngay cả ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, đơn vị quản lý Hãng taxi Vinasun, khi trả lời báo chí cũng bày tỏ sự bất bình: “Bản thân tôi rất bất mãn với hình ảnh được ghi lại trong camera. Tài xế bỏ chạy, để lại nạn nhân ở hiện trường, có nghĩa là đã bỏ lại mạng sống của người bị nạn trên đường”.

Còn Luật sư Nguyễn Hữu Tuấn (Đoàn LS TP. Hà Nội) cũng khẳng định: “Theo luật pháp quy định, mọi công dân khi nhìn thấy người khác ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều kiện cứu giúp mà không cứu dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chưa cần biết bên nào có lỗi nhưng hoàn toàn có thể khởi tố người lái ôtô về tội Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015”.

Tài xế Vinasun bỏ đi sau khi gây tai nạn

Chuyên gia xã hội học Nguyễn Thu Hằng, chia sẻ: “Khoan bàn đến cái chuyện ai đúng ai sai trong vụ tai nạn này, bởi sớm muộn cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra làm rõ, chỉ duy cái chuyện ông Phú thờ ơ, bỏ mặc nạn nhân cũng đáng bị lên án, chỉ trích. Hành động đó của ông và sự bàng quan của hàng chục người đi đường, bất chấp anh L kêu cứu, nó thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vô cảm đến tột cùng”.

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta vẫn hay nhắc đến sự vô cảm, lạnh lùng của một bộ phận không nhỏ người dân. Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hiện tượng này chỉ mang tính đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, trở thành một căn bệnh mang tính xã hội.

Thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; làm ngơ khi thấy kẻ gian móc túi trong siêu thị hay trên xe buýt; lao vào hôi của trong các vụ tai nạn, bất chấp sự van xin, cầu khẩn của nạn nhân,... những hình ảnh, hành động, xấu xí, phản cảm ấy giờ nó không hề là cá biệt.

Hơn nữa, điều đáng buồn là căn bệnh vô cảm này đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Nhiều em khi trông thấy bạn bè đồng trang lứa bị bạo hành ngay trước mắt mình mà không hề mảy may thương xót, hay phẫn nộ, còn thản nhiên đứng xem rồi quay clip tung lên mạng... câu like.

Một thế hệ trẻ đang hừng hực nhựa sống, đang tràn đầy nhiệt huyết, khát khao cống hiến, những “rường cột” tương lai của đất nước lại bị căn bệnh vô cảm hoành hành, hậu quả sẽ rất khó lường.

Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác bao giờ cũng là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo nhân cách, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Khi con người trơ lì cảm xúc, dửng dưng với những sự vật, hiện tượng xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, dễ dàng cúi đầu, thỏa hiệp với cái ác, đó là lúc các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn và băng hoại.

Hàng trăm người dân lao vào “hôi bia” ở Đồng Nai

Bệnh vô cảm không chỉ xuất hiện ở kẻ xấu, mà nó còn có thể có ở cả những người vẫn được coi là người tốt. Bởi lẽ, khi người tốt làm ngơ, im lặng trước cái xấu, để cái xấu chà đạp lên những giá trị nhân văn, thậm chí nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì cũng chính là một biểu hiện không thể chối cãi của chứng vô cảm.

Lý giải về sự gia tăng của căn bệnh vô cảm, chuyên gia xã hội học Nguyễn Thu Hằng cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song phải nhắc đến việc hiện nay chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn hạn chế… Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa hoặc địa phương cục bộ, chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình; lợi ích nhóm chưa được chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý kịp thời”.

Cũng theo chị Hằng, trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam. Điều đó dẫn đến văn hóa truyền thống bị đứt gãy, đạo lý “thương người như thể thương thân” hay “lá lành đùm lá rách” của cha ông cũng vì thế mà phai nhạt.

“Xét một cách công bằng, trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều người tốt, biết đồng cảm, sẻ chia với cộng đồng. Ví như trong các đợt thiên tai, lũ lụt, số lượng người quyên góp, từ thiện rất nhiều. Song ở một vài nơi, cán bộ, chính quyền không minh bạch, thậm chí biển thủ tiền cứu nạn, cứu trợ. Vì thế lòng tin của người dân cũng dần sẽ bị xói mòn”, chị Hằng phân tích.

Còn trong các vụ tai nạn, theo chị Hằng thì điều khiến người ta né tránh hỗ trợ người bị nạn phần nhiều là do sợ phiền phức, rắc rối với việc giải trình, khai báo. Chính cái cách tiếp cận vấn đề để khai thác thông tin, củng cố hồ sơ của các cơ quan chức năng như hiện nay đã và đang tạo ra tâm lý e ngại đối với người dân.

Mà càng e ngại, càng sợ hãi, con người ta càng có xu hướng sống thu mình lại, ích kỷ, thờ ơ với mọi sự. Cuộc sống càng nhiều trúc trắc, con người ta càng ích kỷ và cảnh giác, để tự bảo vệ lấy mình.

Trong “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ”. Khi sự ích kỷ lên ngôi, cũng chính là lúc căn bệnh vô cảm sẽ bước vào giai đoạn trầm kha.

Muốn căn bệnh này không còn đất sống thì xã hội cần trân trọng và bảo vệ với những người không vô cảm. Một khi ứng xử và đánh đồng những người không vô cảm và kẻ vô cảm như nhau, bệnh sẽ không thể loại trừ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tài xế Vinasun bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn: Chúng ta đang ngày càng vô cảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO