Vụ kháng nghị không cho hưởng án treo trong đại án Phạm Công Danh: “Bản án phúc thẩm tuyên có căn cứ, đúng pháp luật”

An Dương| 30/07/2019 14:00

Đó là nhận định của luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) về phán quyết của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc áp dụng chế định án treo đối với một số bị cáo trong đại án Phạm Công Danh....

Xung quanh vụ án này, VKSNDTC vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm gây ra nhiều ý kiến đa chiều xung quanh một vấn đề pháp lý mới mẻ…

Theo quyết định kháng nghị số 05 ngày 9/7/2019 của VKSNDTC, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi được Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng -VNCB) thuê đứng tên giám đốc các công ty do Danh thành lập. Thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh, các bị cáo ký các hồ sơ vay vốn khống, ký khống các ủy nhiệm chi, các chứng từ nhận tiền vay; chuyến tiền đến tài khoản, tạo điều kiện cho Danh có được tiền vay và sử dụng số tiền đó, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho VNCB.

Trong đại án Phạm Công Danh, bà Nguyễn Thị Kim Vân bị đưa ra xét xử trong 2 vụ án hình sự. Vụ thứ 1, bị cáo bị tuy tố về hành vi giúp sức cho Phạm  Công Danh, ký hợp đồng cho thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh quận 10 với VNCB. Ngày 09/09/2016, TAND Tp. Hồ Chí Minh tuyên bản án số 332/2016/HSST, phạt bị cáo Vân 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo không kháng cáo, bản án có hiệu lực pháp luật.

Bị cáo Phạm Công Danh trong đại án VNCB

Vụ thứ 2, bị cáo Vân bị truy tố về hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh, ký khống hồ sơ vay tại Ngân hàng Sacombank, ký khống hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng liên quan đến Công ty TNHH TM &DV Hương Việt. Ngày 06/08/2018, TAND Tp. Hồ Chí Minh tuyên bản án số 268/2018/HSST, phạt bị cáo Vân 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Vân không kháng cáo, ngày 04/09/2018, VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh kháng nghị cho rằng bà Vân đã hưởng án treo trong lần xét xử giai đoạn 1 nên giai đoạn 2 không được hưởng án treo. Xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh tuyên bác kháng nghị, giữ nguyên hình phạt bản án sơ thẩm, cho bị cáo Vân được hưởng án treo.

Quyết định kháng nghị số 05 của VKSNDTC nhận định bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh đã được hưởng án treo trong vụ án trước, “nay tiếp tục bị xét xử về một tội phạm được thực hiện trước khi được hưởng án treo với mức án 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm là vi phạm Điều 56, Điều 65, Bộ luật hình sự và Khoản 3, Điều 3, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo”. Vì thế, VKSNDTC đề nghị hủy phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo nêu trên để xét xử lại, không cho các bị cáo được hưởng án treo...

Theo dõi vụ án, luật sư Trần Hải Đức nêu quan điểm: VKSNDTC kháng nghị với lý do bản án phúc thẩm vi phạm Điều 56, Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo. Nội dung Khoản 3, Điều 3, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP về những trường hợp không cho hưởng án treo, quy định: “Người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”. Thế nhưng, trong trường hợp này, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân bị đưa ra xét xử trong 2 vụ án hình sự, cùng 1 tội danh là tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong khi đó, khoản 3 Điều 3 của Nghị Quyết 02/2018 quy định chỉ không được hưởng án treo khi bị xét xử về một “tội phạm khác”. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng nghị của VKSND cấp cao và giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm, cho bị cáo Vân hưởng án treo, là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Vì vậy, kháng nghị của VKSNDTC đề nghị HĐXX TANDTC xét xử xét xử lại theo hướng hủy phần hình phạt, không cho các bị cáo được hưởng án treo là không có căn cứ.

Theo luật sư Trần Hải Đức, đây là vấn đề rất mới về lý luận và thực tiễn  thực hiện chế định án treo trong pháp luật hình sự. Chính vì vậy, rất cần sự trao đổi, phân tích để làm rõ, đảm bảo việc vận dụng chính xác pháp luật.

TÒA ÁN HAI CẤP ĐÃ VẬN DỤNG PHÁP LUẬT “THẤU LÝ ĐẠT TÌNH”

Ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong vụ án Phạm Công Danh, bà Nguyễn Thị Kim Vân thực hiện cùng một tội danh và Tòa án cũng xác định bị cáo không tư lợi, mức độ phạm tội hạn chế . Do thời gian điều tra của vụ án  kéo dài nên Cơ quan cảnh sát điều tra đã tách ra làm 02 giai đoạn. Thực tế, không phải giai đoạn 1 xét xử xong rồi bị cáo mới tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới trong vụ án khác. Bản kết luận điều tra 2016 của Cơ quan  cảnh sát điều tra được Cơ quan tố tụng tách ra xét xử ở 02 giai đoạn. Đây là điều bất lợi cho bà Vân khi bị xét xử 02 lần cùng một tội danh theo Điều 165 Bộ luật hình sự 1999.

Tại bản án phúc thẩm số 712/2018/HSPT của TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh đã nhận định án sơ thẩm xét về hành vi phạm tội, bị cáo Vân thực hiện với vai trò phụ thuộc, mức độ phạm tội không đáng kể nên HĐXX khoan hồng, không buộc tôi phải chấp hành phạt mà cho tôi hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định. HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy, án sơ thẩm nhận định để cho bị cáo  hưởng án treo là đúng tính chất mức độ phạm tội. Trong vụ án, nếu không tách ra xét xử thành 2 giai đoạn thì bị cáo đủ điều kiện hưởng án treo, nên cần giữ nguyên như án sơ thẩm về hình phạt.

Pháp luật Việt Nam luôn đề cao tính nhân đạo, “có tình và hợp lý”. Việc tòa án hai cấp xét xử bị cáo Vân ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã cân nhắc đầy đủ hành vi, vai trò bị cáo trong vụ án để tuyên một phán quyết rất “thấu tình đạt lý”.

Luật sư Trần Hải Đức

(0) Bình luận
Vụ kháng nghị không cho hưởng án treo trong đại án Phạm Công Danh: “Bản án phúc thẩm tuyên có căn cứ, đúng pháp luật”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO