Điều tra

VPS kinh doanh “èo uột”, vướng nhiều lùm xùm

Trang Nguyễn 29/09/2023 09:11

Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) được giới thiệu là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Nhưng, đến thời điểm quý 2/2023, nợ phải trả của VPS lên đến hơn 19.717 tỷ đồng và đã vướng hàng loạt chuyện lùm xùm trong nhiều năm qua.

Kinh doanh “èo uột”, lợi nhuận giảm sâu

Công ty cổ phần chứng khoán VPS đã có văn bản giải trình biến động lợi nhuận hợp nhất sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2023. Theo đó, doanh thu ghi nhận đạt hơn 1.623 tỷ đồng, giảm 29% (tương đương 650 tỷ đồng); chi phí hoạt động kinh doanh hơn 1.511 tỷ đồng, giảm 24% (tương đương 480 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 83,3 tỷ đồng, giảm đến 63% (tương đương 141,8 tỷ đồng) so với quý 2/2022.

Điều đáng lưu ý, tại Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2023 cho thấy nợ phải trả của VPS lên đến hơn 19.717 tỷ đồng, chiếm tới 70% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ phải trả ngắn hạn lên tới 16.888 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao cấp 2,31 lần.

Mục các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của VPS ghi nhận hơn 9.556 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với đầu năm. Các khoản cho vay lên đến hơn 10.762 tỷ đồng, cao hơn đầu năm trên 4.592 tỷ đồng.

w_bctc-vps-quy-2(1).jpg
Báo cáo tài chính

Cũng tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, tổng tài sản của công ty đạt hơn 28.240 tỷ đồng, tăng hơn 8000 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2023, tuy nhiên khoản mục tiền và tương đương tiền chỉ đạt hơn 4.470 tỷ đồng (so với đầu năm hơn 9.190 tỷ đồng), giảm tới hơn 4.720 tỷ đồng.

Vướng loạt lùm xùm vì bị tố cáo

Mới đây vào cuối tháng 8/2023, nhiều khách hàng (cư ngụ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội) tham gia giao dịch chứng khoán tại VPS phản ánh về tình trạng thông tin bảo mật của họ bị lộ lọt và bị kẻ gian chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Điểm chung trong sự việc trên là trước khi bị kẻ xấu xâm nhập tài khoản, chiếm đoạt tài sản thì những nạn nhân trên đều nhận được cảnh báo của phía VPS về việc lộ mật khẩu và khuyến cáo đổi mật khẩu, nhưng sau đó vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Điều này chứng tỏ có khả năng phía VPS đã nắm bắt được lỗ hổng bảo mật, nhưng vẫn không ngăn chặn được triệt để!?.

vps-chung-khoan-loi-bao-mat.jpg

Ngoài ra, một khách hàng đã làm đơn tố cáo đơn vị này cùng một lãnh đạo công ty VPS trong hoạt động đầu tư chứng khoán, ký quỹ... Điều đáng bàn ở đây, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty VPS lại nhận ủy quyền để thực hiện toàn bộ giao dịch cho nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận, Giám đốc này bị khách hàng tố không tuân theo thỏa thuận khiến khách hàng thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Làm việc với báo chí, đại diện của VPS khẳng định Luật chứng khoán không cho phép nhân viên công ty chứng khoán nhận ủy quyền từ nhà đầu tư, việc này (nếu có) thì không những vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm quy chế của công ty cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Điều khó hiểu ở đây - Giams đốc tư vấn đầu tư của VPS, là người rất am hiểu về quy định pháp luật cũng như quy định của Công ty thì tại sao lại nhận ủy quyền đầu tư từ khách hàng?

Đối với nội dung đơn tố cáo, tại các cuộc họp giữa các bên trước đó, và tại buổi làm việc với báo chí, Giám đốc tư vấn đầu tư của VPS đã phủ nhận tất cả cáo buộc, đồng thời khẳng định mọi giao dịch đầu tư đều tuân thủ theo thỏa thuận.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Hương – Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, đã nhận được đơn thư lần 1 từ tháng 1/2023, lần 2 vào tháng 6/2023. UBCKNN đã xem xét giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, có văn bản trả lời, làm việc trực tiếp với khách hàng có đơn tố cáo, đồng thời chuyển đơn của khách hàng cho VPS giải quyết và yêu cầu VPS trả lời... Tuy nhiên về thời hạn giải quyết thì bà Hương không nói cụ thể, mặc dù đã hơn 7 tháng trôi qua..

VPS từng bị phạt nhiều lần

Không chỉ gặp vấn đề trong kinh doanh khiến lợi nhuận ngày càng giảm, mà nhiều năm gần đây Công ty cổ phần Chứng khoán VPS đã bị cơ quan nhà nước nhiều lần xử phạt hành chính trong quy định về chứng khoán.

Cụ thế, ngày 15/9/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần chứng khoán VPS do cấp margin quá hạn mức.

UBCKNN đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Chứng khoán VPS khi cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng tại một số thời điểm. Số tiền xử phạt hành chính là 125 triệu đồng.

Bên cạnh đó, VPS cũng bị UBCKNN xử phạt 60 triệu đồng do có hành vi bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Cụ thể, công ty đã bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.

Tổng số tiền phạt của cả hai vi phạm trên là 185 triệu đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2021, UBCKNN cũng từng xử phạt Chứng khoán VPS với số tiền 60 triệu đồng với lý do tương tự. Từ năm 2019 đến năm 2020, VPS đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký trên một số hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng. Như vậy, Chứng khoán VPS vẫn tiếp tục tái diễn và bị xử phạt vì một sai phạm tương tự.

VPS gặp lỗi hệ thống giao dịch và bị HoSE ngắt kết nối giao dịch trực tuyến

Theo tìm hiểu của PV, giữa năm 2020, VPS cũng gặp một sự cố có thể nói là lần đầu tiền trong lịch sử của công ty chứng khoán tại Việt Nam khi có dấu hiệu bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Trước sự cố này, VPS đã không ít lần gặp lỗi hệ thống giao dịch và bị Sở GDCK TP.HCM (HoSE) ngắt kết nối giao dịch trực tuyến trong thời gian đó.

Theo đó, tin từ Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong khoảng thời gian từ ngày 23/7/2020 đến ngày 29/7/2020, hệ thống của Công ty Chứng khoán VPS có dấu hiệu bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Trong đó, cao điểm vào khoảng từ 9-11h ngày 23/7/2020 và 13h5 – 14h ngày 29/7 dẫn tới nghẽn hệ thống, từ chối việc đăng nhập hệ thống của khách hàng. NCSC đánh giá là hành vi có dấu hiệu vi phạm luật An toàn thông tin mạng.

Lỗ hổng bảo mật của VPS không chỉ xảy ra và năm 2020 mà đến nay tình trạng này tiếp tục xảy ra khiến nhiều khách hàng lo lắng về tài sản của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VPS kinh doanh “èo uột”, vướng nhiều lùm xùm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO