Ngày 22/12, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Hội Nhà văn, Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc vận động sáng tác về chủ đề Thương binh - Liệt sĩ. Đây là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ chính thức phát động từ tháng 12/2021 đến đến hết tháng 9/2022. Gần 10 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm của 150 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ban Tổ chức đã trao giải Nhì cho hai tác giả Huỳnh Dũng Nhân (TPHCM) với tác phẩm “Những người suốt đời “mua vé ngồi” và Tác giả Bùi Minh Tuệ (Hà Nội) với tác phẩm “Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng”.
Cạnh đó, trao giải Ba cho tác giả Hoài Hương (TPHCM) với tác phẩm “Tinh thần Phù Đổng từ chiến tranh đến hòa bình”; Tác giả Nguyễn Minh Ngọc (TPHCM) với tác phẩm “Thắm biếc một nhành lan”; Tác giả Bạch Phần (Đồng Tháp)với tác phẩm “Kiều Nguyệt Nga ngày nay”.
Đồng thời, trao giải Khuyến khích cho các tác giả Quế Hà (Hội An)với tác phẩm “Trần Duy Phương, người con gái kiên cường (nhà báo Phan Quế Hà đến từ Hội An viết về nhân vật cựu nữ tù Trần Duy Phương); Tác giả Vũ Đảm (Hà Nội)với tác phẩm “Anh hùng nơi làng quê”; Tác giả Phạm Thị Toán (Đồng Tháp)với tác phẩm “Người bí thư xã lẫy lừng một thuở”; Tác giả Tiểu Linh (Hà Nội) với tác phẩm “Chuyện về các liệt sĩ hy sinh trước thềm giải phóng”; Tác giả Lệ Hà – Quỳnh Anh (Huế)với tác phẩm “Gặp lại nữ biệt động thành trên đất Cố Đô”.
Cũng trong dịp này, Ban Tổ chức đãgiới thiệu về cuốn sách “Triệu ngày khắc khoải”, tập hợp những bài viết tham dự và hưởng ứng cuộc vận động viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ.
Cuộc vận động về đề tài Thương binh -Liệt sĩ nhằm tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và thân nhân liệt sĩ; qua đó kêu gọi toàn xã hội cùng chung sức hỗ trợ, chăm lo gia đình liệt sĩ.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, đồng Trưởng Ban Tổ chức cuộc vận động nhấn mạnh, cuộc vận động đã thôi thúc những người cầm bút kể những câu chuyện về những con người đã chiến đấu ngoan cường, xông pha hòn tên mũi đạn hay bất khuất trước đòn thù tra tấn chốn lao tù; những người ngã xuống cho thanh bình đất nước hôm nay và những người còn sống mải miết đi tìm đồng đội, chăm lo cho những gia đình thương binh – liệt sĩ như một cách tri ơn máu xương, tri ơn sự hy sinh vô bờ bến của biết bao người đã ngã xuống cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc và cũng còn là cách mà người cầm bút hôm nay tri ơn cuộc đời này sau bao nỗi mất - còn.
Cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà văn, nhà báo tên tuồi và đặc biệt là có bài viết của nhiều tướng lĩnh, nhiều cựu chiến binh, những người đã xông pha trong lửa đạn chiến tranh và cũng đã từng vuốt đôi mắt đồng đội và nén tiếng nấc khi chôn cất nhiều đồng chí đồng đội của mình, đã góp phần làm cho tập sách đầy đặn hơn, hàm lượng cảm xúc phong phú hơn và lắng đọng hơn.
Thay mặt Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển bày tỏ lòng biết ơn đối với những người viết chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp và cả thân nhân liệt sĩ, thương binh đang sinh sống, làm việc trong nước và nước ngoài đã hưởng ứng cuộc vận động.
Sự hưởng ứng quý báu này đã giúp Ban Tổ chức hoàn thành ý tưởng: Nhằm lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả của các liệt sĩ, thương binh và thân nhân của họ. Cũng từ sự hưởng ứng nhiệt thành đó giúp Ban Tổ chức lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Và, đặc biệt xuất bản được tập sách đầy đặn hơn 300 trang lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Ông cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tài trợ cho cuộc vận động; các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học đã tham gia Ban Giám khảo nhiệt huyết, công tâm lựa chọn những tác phẩm đúng tiêu chí để trao giải và in sách; các cơ quan lãnh đạo TPHCM và quân đội, các tướng lĩnh, sĩ quan, chuyên viên cao cấp đã đồng hành, cổ vũ thực hiện cuộc vận động này.