Vinfast "vượt vũ môn"

HÀ AN (TH)| 12/05/2022 15:47

Đợt phát hành đầu tiên của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) sẽ diễn ra ngay trong tháng 5.

VinFast đang đứng trước thời cơ vàng trong cuộc cách mạng di chuyển toàn cầu để góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn tầm thế giới của Việt Nam.

"Chinh chiến" để tìm chỗ đứng

Ngành công nghiệp ô tô đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mang tính bước ngoặt, đặt dấu chấm hết với các nhà sản xuất truyền thống, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho những “người chơi” mới táo bạo hơn. Nhân tố đột phá trong cuộc cách mạng ấy không đến từ Trung Quốc hay Hoa Kỳ như nhiều người vẫn nghĩ. Nhà sản xuất đang thể hiện tốt nhất trong cuộc cách mạng này đến từ Việt Nam.

Trụ sở VinFast Mỹ tại Los Angeles
Trụ sở VinFast Mỹ tại Los Angeles

Sở dĩ Tesla có thể “làm mưa làm gió” thị trường ô tô điện Bắc Mỹ là do các nhà sản xuất khác khá ì ạch trong kế hoạch điện hóa. Các thương hiệu Trung Quốc như NIO hay BYD thì đang tập trung vào thị trường nội địa của đất nước tỷ dân.

Trong khi đó, sự lên ngôi của xe điện và kỳ vọng của các quốc gia sớm thay thế hoàn toàn xe động cơ đốt trong đang tạo ra thời cơ vàng cho những người mới đến, như VinFast, với khát vọng đảo ngược trật tự đã được thiết lập.

Dù VinFast là một thương hiệu non trẻ, đến từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ công nghiệp thế giới, nhưng sẽ không cần đến 10 năm để người Canada quen thuộc với cái tên này. Hãng xe ra đời năm 2017 đã sẵn sàng để những chiếc xe điện made-in-Vietnam đầu tiên lăn bánh khắp các đường phố Bắc Mỹ và châu Âu từ cuối 2022. Hãng xe Việt không giấu tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Tesla và bán xe trực tiếp đến người dùng, không qua các đại lý trung gian.

Những nỗ lực đầu tiên của Vinfast trên đất Mỹ đang được coi là khởi đầu cho “giấc mơ Mỹ” từ hãng xe điện non trẻ Việt Nam.

Khái niệm “Giấc mơ Mỹ” được nhắc đến trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1931, “Epic of American”, được viết bởi nhà văn kiêm nhà sử học James Truslow Adams. Trong đó, ông mô tả đó là một “giấc mơ về một vùng đất mà ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho tất cả mọi người, và sẽ có những cơ hội cho mỗi người tùy theo khả năng hoặc thành tích của mình". 

Theo Adams, đó không chỉ là giấc mơ về những chiếc ô tô, những căn nhà và mức lương cao, mà còn là giấc mơ về trật tự xã hội, trong đó mọi người có thể đạt được sự thăng tiến lớn nhất theo khả năng của mình và được người khác công nhận về những gì họ có, dù họ sinh ra ở đâu hoặc ở vị trí nào.

Nước Mỹ là nơi đã chứng kiến sự thành công của những doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Hãy nhìn vào những bước đi của Bill Gates, dù không có bất kỳ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp nào trước khi thành lập Microsoft và Steve Jobs trước khi đồng sáng lập Apple cũng vậy. Còn gần đây đó là Mark Zuckerberg khi khởi nghiệp Facebook từ phòng ký túc xá tại Harvard.

Nước Mỹ là vậy, với nền tảng xã hội tiến bộ cùng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đây là nơi sẽ biến những ý tưởng điên rồ nhất trở thành những phát minh làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.

Bên cạnh đó, nước Mỹ còn được coi là thị trường lớn nhất và có sức mua cũng lớn nhất thế giới. Nhìn qua lịch sử kinh tế thế giới trong vòng hơn 50 năm qua, không có một nước nào trở nên lớn mạnh mà không kinh qua nơi đây. Đó là Nhật Bản, là Hàn Quốc, hay là Đài Loan…, ngoại trừ Trung Quốc, nơi có dân số đứng đầu thế giới và sức mua cũng không thua kém thị trường Mỹ.

Nhưng, thị trường Mỹ cũng giống như một người đẹp khó tính, rất gợi cảm nhưng cũng đầy khắt khe, rất bình đẳng nhưng đầy tiêu chuẩn, nhiều nhu cầu nhưng không kém phần kén chọn và đặc biệt là luôn có một sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

Có một thực tế chỉ ra rằng, ở Mỹ đang chứng kiến khoảng 90% các công ty khởi nghiệp thất bại, thậm chí cả các “ông lớn” sau khi được đặt nhiều kỳ vọng và chỉ một số ít là có thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta ngừng hy vọng về một “giấc mơ Mỹ”!

Bản thân Vinfast cũng nghĩ vậy, như lời ông Phạm Nhật Vượng, ông chủ VinGroup, công ty mẹ của Vinfast đã từng chia sẻ trong đại hội cổ đông thường niên hồi năm 2020: “Thị trường Mỹ giống như một phép thử, nếu chúng tôi vào được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác đơn giản, dễ dàng. Và với những công ty mới, mang tính startup như Vinfast, chúng tôi càng phải đặt những mục tiêu rất cao và nghiêm khắc”.

Và giờ đây, có lẽ Vinfast đang bắt đầu mơ một “giấc mơ có thật” với việc ra mắt trụ sở chính tại Mỹ tại Los Angeles, California.

Tiếp theo sau đó, hãng xe này cũng xuất hiện tại hàng loạt các cuộc triển lãm đình đám như Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (Mỹ) triển lãm ôtô quốc tế New York 2022,... đưa hình bóng của Vinfast đâu đó sánh với những tên tuổi lớn.

Như lời cựu Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu ông Michael Lohscheller từng mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng cùng bứt phá giới hạn và chung tay vào cuộc cách mạng xe điện, để đẩy nhanh các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Tương lai của di chuyển’ sẽ là những chiếc xe điện thông minh có tính cá nhân hoá cao và được tích hợp những công nghệ vì cuộc sống, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, tạo ra trải nghiệm cầm lái vượt trội và thoải mái”.

Nước cờ mới của tỷ phú Vượng trên đất Mỹ

Tập đoàn Vingroup (mã VIC) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc phát hành đợt 1 của trái phiếu ra thị trường quốc tế trong 2022.

Theo đó, đợt phát hành này có tổng trị giá 525 triệu USD với giá chào bán 1 triệu USD/trái phiếu. Thời gian được dự tính trong tháng 5/2022.

HĐQT Vingroup đã phê duyệt các văn kiện trái phiếu như các hợp đồng đặt mua trái phiếu giữa Vingroup, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. và mỗi nhà đầu tư liên quan, các thỏa thuận giữa Vingroup và các đại lý liên quan đến trái phiếu…

Trước đó, cuối năm 2021, HĐQT Vingroup đã thông qua nghị quyết về việc phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tối đa trị giá 1,5 tỷ USD. Đây là loại trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast, kỳ hạn 5 năm. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho Vingroup thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu; góp vốn trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.

Theo nghị quyết này, Vingroup dự kiến thực hiện việc phát hành trong quý 1/2022 tuy nhiên, đến ngày 12/2/2022, tập đoàn này đã sửa đổi thời điểm phát hành là trong năm 2022 và chia làm 2 đợt.

VinFast là một trong số ít doanh nghiệp nước ngoài được nhận Tín dụng thuế California Competes (CalCompetes) do Văn phòng Phát triển Kinh tế và Kinh doanh Thống đốc California (GO-Biz) trao tặng.
VinFast là một trong số ít doanh nghiệp nước ngoài được nhận Tín dụng thuế California Competes (CalCompetes) do Văn phòng Phát triển Kinh tế và Kinh doanh Thống đốc California (GO-Biz) trao tặng. 

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 vừa công bố, tính đến ngày 31/3/2022, khoản vay và nợ thuê tài chính của Vingroup ở mức 30.199 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm; trong khi khoản vay và nợ thuê dài hạn là 109.349 tỷ đồng, tăng 7.300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, có 10.916 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trái phiếu dài hạn là 52.688 tỷ đồng.

Trước đó, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd - công ty con của Vingroup có trụ sở tại Singapore đã gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng (IPO) đến Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC).

Quy mô và giá của đợt chào bán chưa được xác định, tuy nhiên theo thông tin của Bloomberg, thương vụ IPO này được dự kiến sẽ huy động được khoảng 2 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là đợt IPO lớn thứ hai của một công ty châu Á tại Mỹ, sau thương vụ IPO 4,4 tỷ USD của hãng gọi xe Trung Quốc Didi Global hồi tháng 6/2021.

Từ cuối năm ngoái, Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho VinFast Singapore.

Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, qua đó gián tiếp sở hữu 99,9% cổ phần VinFast Việt Nam. Trong đó, Vingroup vẫn duy trì tỉ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam.

Vingroup cho biết, việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ và là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty. Theo đó, tái cấu trúc không thay đổi chủ sở hữu mà chỉ là giải pháp kỹ thuật để phục vụ cho việc IPO VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - cho biết, nếu niêm yết thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình và nâng vị thế VinFast lên tầm cao mới, góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu.

"Bởi riêng việc tuân thủ được các quy định khắt khe của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và được họ cấp phép niêm yết đã chứng tỏ được đẳng cấp, uy tín của VinFast, qua đó củng cố lòng tin của khách hàng Mỹ đối với một thương hiệu còn non trẻ, lại đến từ Việt Nam. Việc này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này" - bà Thủy phân tích lợi ích nếu IPO thành công.

Lãnh đạo Vingroup cũng tiết lộ, khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà tập đoàn này đã đặt ra.

Từ cuối năm 2021, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu ra quốc tế. Cụ thể như Tập đoàn Vingroup phát hành 500 triệu USD; trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM 200 triệu USD; trái phiếu chuyển đổi của Novaland 300 triệu USD; trái phiếu bền vững của Vinpearl 425 triệu USD; 165 triệu USD trái phiếu tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 của HDBank… Có thể thấy đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu quốc tế như một kênh huy động vốn hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thực hiện thành công các phương án phát hành trái phiếu quốc tế ở thị trường nước ngoài chứng tỏ sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam; từ đó, một mặt thu hút được niềm tin, quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và củng cố uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược để thực hiện các chương trình đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, góp phần tăng cường phát triển kinh tế và gia tăng vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, theo Ủy ban chứng khoán nhà nước, ngay từ những năm 2009 - 2010, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam đã tiếp cận các tổ chức xếp hạng tín dụng để từng bước gia nhập thị trường trái phiếu (TTTP) quốc tế và đáp ứng nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu trong nước.

Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban chứng khoán nhà nước, khi chào bán cổ phiếu ra nước ngoài, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định như vay thương mại tăng lên khi Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình, phát hành trái phiếu có chi phí lớn; quy mô các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ… Bên cạnh đó còn có nhiều rào cản khác như: Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lo ngại về chuẩn mực kế toán - kiểm toán và báo cáo tài chính hạn chế,...

(0) Bình luận
Vinfast "vượt vũ môn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO