Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, Viện dưỡng lão FDC (địa chỉ tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) và một số doanh nghiệp khác không trang bị, hoặc trang bị hệ thống phòng cháy chưa đầy đủ. Tuy đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng ghi nhận của phóng viên, những cơ sở này vẫn hoạt động như chưa có gì xảy ra.
Vẫn hoạt động, xây dựng
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội có đến 4 doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất trồng cây năm. Kết quả kiểm tra phòng cháy chữa cháy (PCCC) gần đây của cơ quan chức năng cũng cho thấy các xưởng sản xuất này không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ hạng mục nói trên.
Đáng chú ý, trong số này có Viện dưỡng lão FDC (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần trung tâm chăm sóc bác sĩ gia đình Hà Nội), diện tích xây dựng 700m2, chiều cao 14 mét, gồm 5 tầng.
Công trình được xây dựng từ năm 2020 trên phần diện tích đất của Công ty Cổ phần chè Long Phú. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy Viện dưỡng lão FDC không trang bị hệ thống báo cháy tự động; trang bị hệ thống chữa cháy trong nhà không đảm bảo theo quy định; chưa trang bị hệ thống cấp nước cháy ngoài nhà. Vào cuối năm 2022, viện dưỡng lão này từng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Ghi nhận của PV chiều 2/4, bên trong Viện dưỡng lão FDC vẫn xuất hiện nhiều người cao tuổi đi lại, vận động trên tầng 2. Phía bên trong tòa nhà đèn sáng, quạt chạy, phía cổng ngoài nhiều người và phương tiện vẫn ra vào viện dưỡng lão.
Trao đổi với Phóng viên, ông Cấn Văn Thành, Q. Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho hay, nguồn gốc đất xây dựng Viện dưỡng lão FDC là đất của Công ty CP chè Long Phú cấp cho 5 hộ gia đình, chủ đầu tư mua gom, trong đó có 400 m2 đất ở, còn lại là đất vườn. “Thực tế họ (chủ đầu tư – PV) đã xây dựng từ những năm còn chưa bàn giao về cho xã, năm 2018 xã nhận bàn giao từ Công ty CP chè Long Phú thì họ đã làm gần như xong các hạng mục”, ông Thành nói.
Về PCCC, ông Thành xác nhận chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, nguyên do một phần vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý. “Hàng tháng, lực lượng Công an báo cáo có hơn 10 người lưu trú tại Viện dưỡng lão FDC. Về thẩm quyền kiểm tra chấp hành quy định PCCC, chính quyền xã chỉ vai trò phối hợp, thẩm quyền thuộc UBND huyện”, ông Thành thông tin thêm.
Cũng theo ghi nhận chiều 2/4, đối diện Viện dưỡng lão FDC là tòa nhà cao 5 tầng, phía bên trong và phía ngoài nhóm công nhân đang tiếp tục xây dựng. Tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên, lãnh đạo xã Hòa Thạch cho hay, sẽ phối hợp với Công ty chè Long Phú kiểm tra và thông tin lại sau.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài Viện dưỡng lão FDC, còn có 4 cá nhân, doanh nghiệp khác xây dựng trên phần đất trồng cây lâu năm ở xã Hòa Thạch. Đó là: Công ty TNHH Odoor Việt Nam (thôn Long Phú, chủ đầu tư Công ty HT Invest, diện tích 2400m2, 1 tầng, chiều cao 6 mét); Xưởng sản xuất cửa nhôm 3Gdoor Việt Nam, diện tích 3000m2, 1 tầng, cao 7 mét; Xưởng sản xuất Công ty TNHH sản xuất và thương mại thực phẩm An Bảo, diện tích 1000m2, 1 tầng, cao 7 mét.
Lỗi vi phạm PCCC chủ yếu không trang bị hệ thống báo cháy tự động; hệ thống cấp nước chữa cháy không đảm bảo theo quy định. Ghi nhận chiều 2/4, bên trong Công ty TNHH Odoor Việt Nam (thôn Long Phú) máy móc vẫn đang hoạt động, phía ngoài treo biển tuyển gấp lao động.
Bất cập
Trò chuyện với PV, nhiều người dân có diện tích chè thôn Long Phú cho biết, hiện Công ty Cổ phần chè Long Phú không còn hỗ trợ, bao tiêu chè nên khâu tiêu thụ gặp khó. Người trồng chè không còn mặn mà với cây, việc manh nha chuyển đổi sang cây trồng khác là tất yếu, người dân mong muốn cải thiện thu nhập.
Bà Tuyết có 6.000m2 đất trồng chè tại thôn Long Phú cho biết, có năm chè hái bán không hết vì giá rẻ, không có người mua. Chè khó bán nên một phần diện tích nhỏ đã được gia đình bà chuyển sang trồng bưởi.
“Chồng tôi 64 tuổi, tôi 59 tuổi rồi, bao nhiêu năm qua gắn bó cây chè chỉ làm được gian nhà cấp 4. Làm chè mãi mà vất vả quá, 3 đứa con của tôi vì thế mà vất vả theo”, bà Tuyết bộc bạch.
Theo bà Tuyết, mong muốn của hộ gia đình bà và nhiều người trồng chè trong thôn Long Phú là được chuyển đổi sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Nhưng việc này nhiều năm qua chưa khả thi vì việc bàn giao địa giới đất đai giữa chính quyền địa phương và Công ty chè Long Phú vẫn chưa hoàn tất. Chính vì thế nên vô tình tạo kẽ hở để nhiều người xây dựng được nhà, công ty.
Theo ông Cấn Văn Thành, Q. Chủ tịch xã Hòa Thạch, việc bàn giao giữa địa giới hành chính với Công ty chè Long Phú còn chưa “ngã ngũ” vì quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, quy trình ngay từ đầu đi ngược nên mọi thứ đến bây giờ vẫn đang... đợi.
Quyết định thành lập thôn trong khi địa giới chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính tại địa phương, nhân khẩu thì do xã quản lý; nhưng đất đai, tài sản lại do công ty để lại.
Ngoài ra, việc bàn giao tài sản cũng chỉ sơ khai thể hiện trên biên bản, không đầy đủ tính pháp lý. Thêm vào đó, văn bản còn chồng chéo, cho nên tới thời điểm hiện tại dù đã hơn 1 năm thanh tra (Thanh tra Sở TN&MT) nhưng chưa thể giải quyết vấn đề.