Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).
Một trong các quy định được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến là dự thảo việc Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết các vụ án; việc ghi âm và ghi hình tại phiên tòa có bị bó hẹp so với quy định hiện hành; quy định về tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ Tòa án…
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, cho biết: Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ngày 13/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 827/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, dự thảo Luật có 09 Chương, 153 Điều.
Rà soát, quy định chặt chẽ Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ
Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.
UBTVQH cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu: "Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử". Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH và một số cơ quan, tổ chức, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng: quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.
Về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1, Điều 4), nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Một số kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử.
UBTVQH cho rằng, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này thì không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.
Quy định này chưa thống nhất về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương và phải sửa đổi một số luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phát sinh một số chi phí (như sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ). Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Do ĐBQH còn có ý kiến khác nhau và TANDTC tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành, TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Ghi âm lời nói, hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.
UBTVQH cho rằng, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm: quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.
Đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4, Điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa,... Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp...
Một số ý kiến UBTVQH cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành.
Một số ý kiến của UBTVQH và TANDTC đề nghị quy định khoản 3, Điều 141 như sau: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp…"; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn,…
Về quy định tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Toà án (Điều 142), một số ý kiến không tán thành quy định của dự thảo Luật. Có ý kiến tán thành với dự thảo Luật.
Về vấn đề này, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án. Tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án có liên quan đến Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương.
Ngày 12/4/2024, Chính phủ tham gia ý kiến như sau: để bảo đảm tính thống nhất trong việc thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị…, Chính phủ đề nghị cân nhắc, xem xét nội dung quy định tại khoản 1, Điều 142 của dự thảo Luật.
UBTVQH nhận thấy, Nghị quyết 27đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp: "…Ðổi mới chính sách, chế độ tiền lương,… nhất là đối với đội ngũ thẩm phán". Quy định tại khoản 1, Điều 142 dự thảo Luật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đặc thù công tác xét xử; kế thừa quy định của Luật hiện hành và cơ bản thống nhất Nghị quyết 27.
Cùng với các vấn đề nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến các ĐBQH như các nội dung nêu trong Báo cáo của UBTVQH, cũng như rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.