Xóa bỏ biên chế giáo viên: Ý tưởng khó thực hiện!

Tiến Dũng| 09/06/2017 12:27

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không đồng tình việc bỏ biên chế giáo viên và cho rằng: “Ý tưởng này ra có thể làm nát hệ thống giáo dục".

Phát ngôn thí điểm xóa bỏ biên chế giáo viên của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gây bức xúc trong dư luận mấy ngày qua. Nhiệt nóng của ý tưởng này đang làm xáo trộn tinh thần gây bất an và hoang mang lo lắng giáo viên trên cả nước. Những tâm thư, tâm sự, nỗi niềm tràn ngập mạng xã hội, đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán xôn xao. Nỗi lo hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người.

Bức xúc, nỗi lo và bất an

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THCS ở huyện Anh Sơn, Nghệ An tâm sự: "Nếu xóa bỏ biên chế thì rất thiệt thòi đối với những nhà giáo trên 20, 25 năm tuổi nghề như chúng tôi. Khi nghe thông tin sẽ bỏ biên chế giáo viên tôi rất sốc. Rất may là dịp nghỉ hè, chứ nó gây bất an, chán nản cho giáo viên không muốn đi dạy nữa".

Giáo viên cắm bản ở vùng cao xứ Nghệ

Nhiều giáo viên đến vùng cao, vùng khó khăn xứ Nghệ cũng tâm sự rằng: Ngoài yêu nghề để lội suối, vượt núi, băng rừng đi “gieo chữ” thì biên chế, đó là mục đích để họ bám trụ. Giờ xóa biên chế, thử hỏi ai sẽ “cõng chữ trên lưng”? Trong khi đó, chế độ đãi ngộ với giáo viên hiện nay cũng còn quá eo hẹp. Cô Hà lo lắng: "Hơn nữa, có những thầy cô cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nghề, nếu đến độ tuổi trung niên đột nhiên vì lí do nào đó bị cắt hợp đồng thì rất khó tìm việc khác".

Thầy Nguyễn Hùng, một giáo viên THPT ở huyện Yên Thành thẳng thắn chia sẻ: Thật ra, xóa bỏ biên chế sẽ tạo điều kiện để giáo viên giỏi được chỗ làm tốt tương xứng, nhờ đó mà tăng thu nhập, giáo viên trẻ có cơ hội làm việc trong hệ thống giáo dục thay vì mòn mỏi chờ đợi. Là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục; chặn chạy chọt vào biên chế; loại bỏ được những công chức không đủ năng lực- sáng cắp ô đi tối cắp về...

Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này thì xã hội phải công bằng, có tính minh bạch cao. Nếu xã hội có tính minh bạch cao, công bằng thì khái niệm biên chế sẽ trở nên lỗi thời. Thế nhưng, xã hội hiện nay, nếu xóa bỏ biên chế giáo viên thì sợ rằng, tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm sẽ nặng nề hơn và kéo theo nhiều hệ lụy. Các vị đứng đầu các cơ sở giáo dục sẽ lợi dụng điều này để thanh trừng, loại bỏ giáo viên và tạo ra sự lệ thuộc của giáo viên với người đứng đầu cơ sở giáo dục. Ai có thể đảm bảo hiệu trưởng không mang cả họ nhà mình đến trường và ký hợp đồng? Thêm nữa, khi người giáo viên đi làm mà luôn nơm nớp lo sợ (không hẳn là do năng lực yếu kém) thì liệu có yên tâm công tác không?

Nhà trường còn sẽ nghĩ ra nhiều cách biến tướng đi để thu thêm tiền của học sinh, sinh viên. Khi đó dạy thêm học thêm sẽ nhiều hơn và nhà trường sẽ “đẻ” ra hàng trăm loại phụ phí khác làm cho phụ huynh học sinh thêm gánh nặng… Chưa nói đến” hệ sinh thái” giáo dục bị phá vỡ,  mất cân bằng, truyền thống tôn sư trong đạo ngàn đời sẽ có nguy cơ băng hoại bởi những “cơ sở kinh doanh giáo dục”.

Trao đổi về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: “Lương là cần thiết để sống, nhưng giáo viên không phải chỉ vì đồng lương mà đi dạy học. Khác với lao động khác, nghề giáo có đặc thù riêng là “trồng người”. Không thể để tư tưởng thương mại hóa lọt vào hệ thống trường học. Dù kỹ thuật có tiến bộ đến mấy, dù là bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều điều trong nhà trường phải thay đổi để phù hợp với thời đại mới; nhưng không thay đổi được tính chất cơ bản của nó. Nhà giáo có sứ mệnh cao cả là đào tạo con người, giáo dục nhân cách”.

Ý tưởng của Bộ trưởng Nhạ cũng khiến cho dư luận suy nghĩ trái chiều. Nhiều người bảo rằng nhiều nước phương Tây họ thực hiện rất tốt, chúng ta nên học theo. Quả vậy, nền văn minh của họ đi trước ta năm mươi, vài trăm năm. Vậy nên, đừng có “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai mà chạy”. Nhân sâm thì rất tốt, nhưng "nhất thống phục nhân sâm" thì... tắc tử. Dẫn chứng là lần đổi mới trước đây như mô hình giáo dục VNEN, đề án Ngoại ngữ 2020... thí điểm thành công nhưng áp dụng vài năm lại "chết không thuốc chữa".

Nhiều người nhận định nhiệt nóng, của ý tưởng này cũng tác động không nhỏ đến học sinh lớp 12. Chắc chắn học sinh học lực khá giỏi thi vào sư phạm năm nay là rất hiếm. Như vậy, những nhà kiến tạo tri thức tương lai cho đất nước sẽ như thế nào? Bộ trưởng Nhạ có giỏi thì đón thí sinh 24 điểm trở lên đi. Khi đó, bác mới tài giỏi! Khi đó giáo dục mới là quốc sách. Khi đó quy luật tự đào thải. Người không có trình độ và năng lực không thể đứng trên giảng đường để dạy học sinh được.

Nhiều ý kiến cũng phát biểu rằng  nếu quyết tâm thực hiện xóa bỏ biên chế thì cần phải có lộ trình. Và Bộ GD-ĐT, nhất là Bộ trưởng Nhạ phải xóa bỏ biên chế đầu tiên để làm gương. Song song với đó là bổ nhiệm cán bộ quản trong ngành không cần phải theo lộ trình  mà phải thi cử đàng hoàng nghiêm túc. Các nhà trường phải thành lập hội đồng trường để hoạt động như hội đồng quản trị ở các trường tư. Hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường bổ nhiệm và giám sát. Nếu hiệu trưởng làm việc không hiệu quả thì cũng sẽ bị bãi nhiệm…

Ảnh hưởng lớn nền giáo dục?

Có thể nói, nếu chủ trương trên được thực hiện thì sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước. Hiện nay, phần lớn  giáo giới và dư luận đều không đồng tình với ý tưởng của Bộ trưởng Nhạ.

GS Phạm Minh Hạc cũng không đồng tình  về việc bỏ biên chế giáo viên và cho rằng: “Ý tưởng này ra có thể làm nát hệ thống giáo dục. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng, không những giáo dục mà cả với nhân dân, với sự phát triển, tương lai của đất nước nên phải rất thận trọng, nếu thí điểm cũng phải được sự đồng ý của Nhà nước”.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Nếu chủ trương bỏ biên chế này bị “sa lầy”, thậm chí là thất bại thì hậu quả sẽ rất tai hại và nguy hại nhất là gây nên sự xáo trộn về tâm can, sự khủng hoảng về niềm tin và đảo lộn về trật tự đội ngũ của ngành giáo dục. Và khi đó, ai sẽ là người nhận trách nhiệm và chịu hậu quả này?

"Bài học về sự thất bại của các chủ trương, dự án, đề án cải cách giáo dục của các vị đồng cấp tiền nhiệm trong nhiều năm gần đây đã để lại nhiều hậu quả về hao tốn ngân sách của quốc gia, không lẽ không có ích gì cho Bộ trưởng hay sao", thầy Hiếu nói.

Ý tưởng xóa bỏ biên chế giáo viên của Bộ trưởng Nhạ không chỉ làm bất an, hoang mang lo lắng trong giáo giới mà nhiều chuyên gia về luật cảnh báo rằng: "Bỏ biên chế giáo viên: Nếu triển khai thực tế sẽ vi phạm Hiến pháp".

Chia sẻ về vấn đề này,thầy giáo Bùi Xuân Phái, giáo viên Trường đại học Luật Hà Nội đưa ra ý kiến: “Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ mới chỉ là lời nói thì chưa vi phạm, nhưng nếu triển khai ngay trên thực tế thì sẽ là trái luật, cụ thể là vi phạm luật cán bộ, công chức; luật Viên chức; luật lao động; luật giáo dục… thậm chí còn vi phạm Hiến pháp”.

Thầy Phái cũng cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Nhạ chỉ là thăm dò dư luận, để xem phản ứng của xã hội như thế nào, chưa xảy ra hành vi trên thực tế thì chưa vi phạm. Nhưng trước khi Bộ trưởng đưa ra quan điểm cần phải cân nhắc trước - sau, được - mất.

Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ là hơi thiếu thận trọng, chưa đủ sự khôn ngoan. Nếu như để thăm dò thì nên để cho đơn vị khác làm việc này hơn là phát ngôn từ một người làm về chính sách giáo dục. Bởi tầm Bộ trưởng phát biểu thì sẽ có những ảnh hưởng rất lớn, nhạy cảm khi động chạm, ảnh hưởng đến nhóm đối tượng rất lớn là đội ngũ giáo viên. Đặc biệt phát biểu này lại liên quan đến các chính sách giáo dục nhạy cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ biên chế giáo viên: Ý tưởng khó thực hiện!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO