Tô thắm nghĩa tình nơi biên cương

Nguyễn Liên| 04/02/2022 16:36

Đặt chân đến miền biên cương những ngày Tết đến, Xuân về, mới thấy rõ được tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn của những người lính quân hàm xanh và đồng bào kể chuyện về Bác Hồ hơn 80 mùa xuân đặt chân về chiến khu cách mạng Cao Bằng.

Mùa xuân nơi cội nguồn cách mạng

Hà Quảng những ngày cuối năm, trong cái rét của miền biên cương, chúng tôi về đây được nghe câu chuyện từ các cụ lão thành cách mạng kể về hình ảnh ông cụ “Già Thu” mặc “áo chàm” của đồng bào của mùa xuân 80 năm trước. Hình ảnh “Già Thu” với “đôi mắt sáng ngời”, bước chân vững vàng không mỏi cho cuộc hành trình hơn 30 năm tìm đường cứu nước đặt chân về với Tổ quốc.  Và sự kiện lịch sử ấy ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Ái Quốc  cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, Thế An vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Sự kiện này đánh dấu cuộc hành trình sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trước cột mốc biên giới, Người dừng lại hồi lâu, xúc động rồi cúi đọc những dòng chữ Hán và chữ Pháp được khắc ở cả hai mặt đá rồi đứng lặng hướng tầm mắt nhìn về Tổ quốc thân yêu.

a1..tt.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự ngày hội Đại đoàn kết quê hương cách mạng huyện Hà Quảng

Đối với dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Cao Bằng nói riêng mùa xuân 1941 thực sự là mùa xuân kỳ diệu, mùa xuân của khát vọng giải phóng dân tộc và để rồi mang theo sắc xuân bất diệt cho dân tộc Việt Nam. Khi mà:

“...Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”

                Tố Hữu - Bác Hồ về Pác Bó

Mùa xuân dường như được tô thắm rực rỡ, sinh động hơn khi được Nhà thơ Tố Hữu ghi lại một cách chân thực, giây phút thiêng liêng, xúc động khi Bác đặt chân lên đất mẹ vào mùa xuân với rừng mơ nở trắng, thơm ngát hương vị của núi rừng Chiến khu Việt Bắc.

a2-hq-w500-h381.jpg

Khánh thành bàn giao công trình trường mầm non

Tại thời điểm này, đồng chí Vũ Anh đã có mặt dưới chân núi, đón Người về sống trong một nhà dân thuộc bản Pác Bó. Nhưng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lãnh tụ, ngày 08/02/1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu được đưa lên sống và làm việc trên hang Cốc Bó, tiếng Tày là Đầu Nguồn. Vậy là, Cao Bằng với “Ba mặt “Tam giang” trôi cuồn cuộn/ Bốn bề “Tứ trụ” đứng chon von” đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động nơi góc bể chân trời. Và để rồi Hang Pác Bó với chiếc bàn “chông chênh dịch sử Đảng” với tinh thần “Cuộc đời cách mạng thật là sang” với một quyết tâm:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là,

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Tinh thần ấy đã giúp Người vượt qua mọi khó khăn gian khổ để lãnh đạo cách mạng Việt Nạm giành thắng lợi vẻ vang vào mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám đã thành công.Và bước tiếp những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và khát vọng giải phóng hoàn toàn, Việt Nam thống nhất. Sau hơn 80 mùa xuân ấy, Hà Quảng - Cao Bằng hôm nay phát huy tinh thần truyền thống quê hương cách mạng tự lực, tự cường, từng bước xây dựng, đổi thay dâng lên Người với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Bác Hồ đã để lại trên quê hương mình.

Tô thắm xuân biên cuơng   

Và mùa xuân trên quê hương cách mạng Hà Quảng, năm 2020 trong chuỗi Chương trình Xuân Biên cương do Báo Công lý thực hiện đã cùng các đơn vị tài trợ xây dựng Trường Mầm non Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xuân Biên cương được Báo Công lý thực hiện thường niên và được TANDTC giao cho báo phối hợp với các đơn vị của TAND cùng với các nhà tài trợ tổ chức với ý nghĩa chính trị cao cả thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Biên phòng; tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình quân nhân; tặng học bổng cho con em gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

a4-sep-2-1-w500-h421.jpg

Chương trình Xuân Biên cương do Báo Công lý tổ chức hằng năm  

Bên cạnh đó, trên cung đường biên giới, Báo Công lý cùng nhà tài trợ tiếp tục xây dựng Trường mầm non Khuổi Rào, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Thông qua các hoạt động tình nghĩa đó, đã thiết thực góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân; hỗ trợ, động viên, chia sẻ tình cảm, tiếp thêm sức mạnh đối với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Nối tiếp những Chương trình ý nghĩa nhân sinh tại miền địa đầu tổ quốc Cao Bằng nơi có đường biên giới dài nhất các tỉnh phía bắc với 333km. Năm 2021 Báo Công lý tiếp tục xây dựng Chương trình “tặng cờ Tổ quốc cho Nhân dân biên giới”. 12.000 lá cờ Tổ quốc được trao tận tay Nhân dân hai huyện Hạ Lang, Quảng Hòa với tinh thần mỗi người dân là một cột mốc sống bảo vệ biên giới lãnh thổ Tổ quốc.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tại Ngày hội đoàn kết tại xã Tiên Thành - Quảng Hòa chia sẻ: “Mỗi lá cờ được trao tặng đến tay người dân tô thắm thêm tình yêu quê hương đất nước, từ đó nâng cao trách nhiệm mỗi người dân trong công tác tuyên truyền, đồng hành với các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn nâng cao thu nhập cho người dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới.

a4-sep-w500-h416.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cùng nhân dân huyện Quảng Hòa tiếp nhận 6000 cờ Tổ quốc do Báo Công Lý gửi tặng bà con biên giới

“Chương trình Xuân biên cương đã thể hiện những tình cảm thiêng liêng của lãnh đạo cũng như cán bộ, công nhân viên Báo Công lý, nhà tài trợ, góp phần bảo vệ biên giới của Tổ quốc trên bộ cũng như trên biển. Đó cũng là một sự quan tâm, động viên cực kỳ quý báu nhằm khích lệ quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Bên cạnh đó Chương trình góp đá xây dựng trường học nơi biên cương do Báo Công lý tổ chức tại Cao Bằng thực sự ý nghĩa, nhân sinh, gieo những mầm xanh nơi biên giới địa đầu của Tổ quốc cho sự nghiệp trồng người”.

Cùng chia sẻ, chung tay nhân dân biên giới tại huyện Quảng Hòa, Tổng biên tập tặng Bản Guồng tivi 55 ich cùng 15 triệu đồng bảo tồn di sản văn hóa nơi đây. Không chỉ vậy, tại những địa điểm mà Báo Công lý đến đều tổ chức, xây dựng, kết nối các Đồn Biên phòng, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, chia sẻ khó khăn những người lính ngày đêm ôm chắc cây súng cùng đôi chân không mỏi bảo vệ vùng trời, lãnh thổ của Tổ quốc bằng nhiều hoạt động xã hội như tặng ti vi cho  đồn biên phòng Cô Ba, Tổng Cọt…, góp sức Chương trình cho con nuôi biên phòng tại đây.

a5-w500-h303.jpg

Năm 2021, Báo Công lý gửi đến đồng bào, nhân dân biên giới 12.000 lá cờ Tổ quốc dọc biên giới hai huyện Quảng Hòa, Hạ Lang tỉnh Cao Bằng

Có thể thấy, trên những cung đường biên giới xanh nơi đây, khi những cánh rừng rực rỡ hoa đào nở, đồng bào các dân tộc nơi đây đang chuẩn bị đón Tết. Các chiến sĩ biên phòng vẫn vững đôi chân, chắc tay súng từng ngày, từng giờ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân đón Tết. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - Đó là khẩu hiệu, là việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ biên phòng để mỗi dịp Tết đến, xuân về, vùng biên giới thêm thắm sắc xuân. Mùa xuân biên cương thời tiết giá lạnh nhưng lại ấm áp tình người. Bởi họ luôn nhận được sự chung tay, giúp sức, “3 bám, 4 cùng” của những người lính quân hàm xanh nơi miền biên viễn.

Một năm mới lại về, trong tình quân dân nồng thắm, chúng tôi cảm nhận rõ ràng sắc xuân tươi đẹp thấm đượm trong ánh mắt người. Đó chính là những tín hiệu vui báo một mùa xuân trọn vẹn nơi biên giới, mùa xuân đổi thay, mùa xuân của tình quân dân keo sơn, gắn bó. Ở đó, những người lính mang quân hàm xanh vẫn ngày đêm vững chắc tay súng không chỉ bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương của đất nước mà còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng là tuần tra, phát hiện kịp thời những người vượt biên trái phép, góp phần mang lại một mùa Xuân mới yên bình cho nhân dân nơi quê hương cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tô thắm nghĩa tình nơi biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO