Một số vấn đề cần làm rõ trong vụ đền bù, cưỡng chế đất ở Hà Nam

Lê Huy| 23/01/2019 16:08

Dự án bị chậm tiến độ, người dân khiếu nại, chính quyền TP Phủ Lý có nóng vội hay máy móc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng?

Như báo CL&XH đã phản ánh về việc 16 hộ dân phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bức xúc trước việc đền bù đất đai phục vụ Dự án tái định cư chưa thỏa đáng. Người dân cho rằng đất của họ là riêng lẻ (đất cha ông để lại, từ những năm 1950) không thể áp giá chung như tất cả các loại đất nông nghiệp.

Cơ quan nào thẩm định nguồn gốc đất?

Tại buổi làm việc với PV, (ngày 13/12/2018) đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất TP Phủ Lý cũng cho rằng, đất của 16 hộ dân này là đất “cá lẻ”, được đền bù theo giá đất nông nghiệp tỉnh ban hành (71 ngàn đồng/m2 ). Trả lời câu hỏi của PV về việc cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định nguồn gốc đất, vị cán bộ Trung tâm cho rằng “Phường Lê Hồng Phong là cơ quan thẩm định nguồn gốc đất” (?).

Ông Nhạn bên phần đất thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng

Ở một buổi làm việc khác, ông Trần Đức Thọ- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý khẳng định: “Chúng tôi là cơ quan chuyên môn nên không tổ chức thực hiện dự án nên chưa nắm bắt được thông tin gì và cũng chưa cho anh em xuống phối hợp kiểm tra chi tiết về nguồn gốc đất. Còn việc phối hợp xác định nguồn gốc đất của các hộ dân nằm trong dự án là do UBND phường Lê Hồng Phong và Trung tâm quỹ đất thực hiện. Sau khi phường xác định nguồn gốc đất thì phòng TNMT chỉ thẩm định lại tổng diện tích phường báo cáo lên và làm thủ tục thông báo thu hồi đất, rồi các phòng ban ký vào phương án tổng thể đền bù”.

Tuy nhiên trước đó, đem những thắc mắc về việc xác định nguồn gốc đất của người dân đến ông Lại Văn Thuật- Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong lại trả lời: “Cái này tôi cũng không nắm rõ được đâu, hình như là có từ năm 1993”.

Nóng vội hay máy móc?

Trong khi thẩm định, đánh giá nguồn gốc đất chưa rõ ràng các phòng, ban thành phố Phủ Lý đã ký vào những văn bản và đưa ra bảng giá bồi thường, tiến hành cưỡng chế “thần tốc” đối với những hộ dân có đất riêng lẻ mà chưa nhận tiền đền bù.

Cụ thể, vào ngày 10/09/2018 gia đình ông Lại Văn Nhạn bất ngờ nhận được quyết định cưỡng chế nhưng cuộc cưỡng chế không thành vì gặp sự phản đối gay gắt từ phía gia đình ông Nhạn.

Phiếu thu tiền sử dụng đất của ông Nhạn từ những năm 1975

Theo tìm hiểu của PV, Dự án tái định cư đường D5 bắt đầu triển khai từ năm 2014 nhưng bị gián đoạn, đến năm 2018 đang tiếp tục bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do giai đoạn giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.

Từ những tình tiết trên, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng việc chậm tiến độ của Dự án khiến các cơ chức năng TP Phủ Lý nóng vội, máy móc mà bỏ quên quyền lợi chính đáng của người dân?

Còn theo quy định của pháp luật, câu trả lời của Trung tâm Phát triển quỹ đất, phòng TNMT TP Phủ Lý có đúng chức năng, nhiệm vụ? Về vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở liệu câu trả lời của ông chủ tịch phường Lê Hồng Phong có “gần dân”, làm tròn trách nhiệm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề cần làm rõ trong vụ đền bù, cưỡng chế đất ở Hà Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO