Mã Đà: Cuộc sống nghèo khó trên "ốc đảo" không có điện

Hoàng Nhi| 19/08/2017 08:30

Nằm cách đường lớn 10 cây số, chưa có điện và cũng không có sóng điện thoại, Mã Đà (Đồng Nai) như một "ốc đảo" cách biệt với thế giới bên ngoài.

Từ đường lớn, chúng tôi phải băng qua một chặng đường rừng hơn 10 km. Con đường nhỏ, nằm ngoằn nghèo và đầy hiểm trở. Vào sâu bên trong, không còn thấy tín hiệu sóng điện thoại, cảm giác như chúng tôi đang bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, khung cảnh xung quanh chỉ toàn rừng rậm và cây cối.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban công tác Mật Trận ấp 4 (xã Mã Đà, Vĩnh Cữu, Đồng Nai) để tìm hiểu rõ về tình hình người dân ở đây.

Cuộc sống thiếu thốn của người dân ở Mã Đà.

Ông Thu cho biết: “Hiện ấp 4 có khoảng 444 hộ dân, trên 2.000 khẩu, tỉ lệ dân nhập cư tự do chiếm đến 70%, người dân địa phương gốc ở đây rất ít thành ra dân trí thấp. Tỉ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2016 là 92 hộ nghèo. Các em học sinh, khi học hết cấp 1 chuyển sang cấp 2 hầu hết bỏ học rất nhiều, vì gia đình quá khó khăn”.

“Để đi được từ ấp 4 ra tới trường học cấp 2 phải trải qua đoạn đường dài 22 km. Chiếc xe 25 chỗ được một nhà từ thiện cho để đưa đón các em đi học, xe ngày nào cũng chở khoảng trên 40 học sinh nên rơi vào tình trạng quá tải và vô cùng nguy hiểm.

Nhiều trẻ em không được đến trường.

Tuy nhiên, hằng ngày, các em đều phải bất chấp tính mạng của mình vì con chữ. Ngoài ra, tỉ lệ các em nơi đây được học lên tới đại học hay cao đẳng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xã Mã Đà hiện vẫn chưa có điện, người dân nơi đây đa số xài bình ắc quy”, ông Thu chia sẻ thêm.

Theo chân ông Thu, đoàn tiến hành khảo sát các hộ nghèo gần khu vực hồ Trị An. Trước mắt chúng tôi, khoảng 30 ngôi nhà bè tạm bợ trôi nổi trên mặt nước. Những đứa trẻ da rám nắng, thân hình gầy guộc nhìn chúng tôi với ánh mắt lạ lẫm. Chúng tôi bắt gặp vài em bé tậm 6 - 7 tuổi ngồi trên những chiếc ghe nhỏ xíu giữ lòng hồ, dường như những đứa trẻ đã quá quen với cuộc sống sông nước.

Vì chưa có điện nên người dân phải dùng ắc quy.

Hai chị em Nguyễn Hồng Mai (17 tuổi) và Nguyễn Hồng Thu (15 tuổi) là hai người lái ghe đưa chúng tôi đi đến những ngôi nhà trên hồ Trị An. Bé Mai tâm sự: “Cả gia đình em ở Campuchia về Việt Nam 2014, đến nay gia đình em vẫn chưa làm được hộ khẩu vì thế nên các em cũng không có giấy khai sinh”. Không được đi học, chị em Mai hằng ngày phụ ba mẹ đi giăng câu, thả lưới hay lái ghe chở khách.

Vào đến những ngôi nhà bè của người dân nới đây, mới thấy hết được sự thiếu thốn và khó khăn của họ. Ngôi nhà bè nhỏ hẹp, chật chội là nơi vừa sinh hoạt, nấu ăn, nuôi cá...

Người dân vẫn chưa có nước sạch để dùng, các gia đình vẫn lấy nước từ hồ Trị An để  sinh hoạt, nước để nấu cơm hay chế biến thức ăn được lấy ở nơi nước trong hơn.

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban công tác Mật Trận ấp 4.

Người dân nơi đây sống bằng nghề giăng câu, nuôi cá là chủ yếu, nhưng mấy năm nay cá rớt giá, bán đi cũng không đủ tiền vốn. Mà thương lái cũng chẳng thấy đến mua, khó khăn chồng chất khó khăn khi nguồn sống của cả gia đình đề trông chờ vào đấy.

Một ngày ở Mã Đà với nhiều cảm xúc đong đầy, có cả nổi niềm nghẹn nào không nói nên lời, một sự đồng cảm lan tỏa trong suy nghĩ của tất cả các thành viên trong đoàn khảo sát.

Tại sao chúng tôi không đến với Mã Đà sớm hơn? Nhưng chắc chắn một điều rằng chúng tôi sẽ quay trở lại, sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho bà con, sẽ chắp cánh cho ước mơ đến trường của các thế hệ trẻ em nơi đây, sẽ có ánh sáng, sẽ có những ngôi nhà kiên cố, những ngôi trường khang trang hơn... 

Qua đây, chúng tôi cũng kêu gọi các mạnh thường quân cùng góp tay xây dựng một nguồn quỹ để hỗ trợ người dân không chỉ ở Mã Đà mà ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hãy mở cửa trái tim nhân ái của mình, gian rộng vòng tay để cùng kết nổi yêu thương trên hành trình mang lại cuộc sống mới cho vùng đất Mã Đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mã Đà: Cuộc sống nghèo khó trên "ốc đảo" không có điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO