Lao động nghèo tất tả mưu sinh

Kim Sáng| 15/03/2022 15:09

Sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động tỉnh bắt đầu quay trở lại TPHCM làm việc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với các vật giá leo thang khiến đời sống của lao động tự do gặp không ít khó khăn, số tiền mà họ kiếm được nhiều khi không đủ trang trải cuộc sống thường ngày.

Đồng hồ điểm 12h trưa, chú Trường Đình Hiểu, 66 tuổi tranh thủ chợp mắt bên vỉa hè đường Thép Mới, Phường 12, quận Tân Bình, đây là một trong những cung đường quen thuộc trong suốt 20 năm hành nghề bán vé số của chú.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cuộc sống hôn nhân không được như ý muốn nên chú Hiểu một mình từ Thừa Thiên Huế vào TPHCM kiếm cớ sinh nhai. Nhìn vẻ bề ngoài khắc khổ, nhiều người cũng đoán được cuộc sống của chú cơ cực như thế nào.

Hàng ngày, ngoài việc đi bán vé số, chú lại lủi thân một mình trong căn phòng trọ chật hẹp, cũng may được chủ trọ thương nên 1 tháng chú chỉ tốn 500.000 đồng tiền phòng.

p1660146-w1500-h1000.JPG

Chú Trường Đình Hiểu tranh thủ đếm những tờ vé số còn sót lại trong ngày

“Hồi trước chưa có dịch bán được 200 tờ/ngày nhưng nay cố gắng lắm mới được 100-150 tờ. Ở một mình nhưng tiền làm ra không dư đồng nào bởi lo thuốc men hết, tôi bị đau gai cột sống nên tháng nào cũng phải uống thuốc giảm đau. Ở đây tôi sống nhờ tình thương của bà con xung quanh rồi chính quyền địa phương, mùa dịch họ hỗ trợ nhiều lắm, chứ con cái thì không đoái hoài gì”, chú Hiểu nói với giọng gượng buồn.

Thời gian qua, giá cả leo thang kéo theo nhiều dịch vụ tăng giá khiến cuộc sống của người đàn ông gốc Huế trở nên khó khăn hơn. “Cơm nếu mua bên ngoài cũng 30.000-40.000 đồng/hộp nhưng họ nhìn tôi họ thương nên bán rẻ cho, nhiều lúc người ta chỉ lấy 1 tờ vé số rồi đưa cho hộp cơm về ăn”, chú Hiểu nói.

0-w1500-h1000.JPG

Chú Trần Văn Bé buồn rầu vì vật giá leo thang, cuộc sống ngày càng khó khăn

Cách đó không xa, chú Trần Văn Bé, 49 tuổi đang tranh thủ mời khách với hy vọng cuối ngày sẽ bán hết số dừa trên xe. Trung bình 1 ngày, nếu khách mua nhiều thì chú bán được 300 quả, có ngày ít hơn nhưng số tiền kiếm ra cũng chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày.

“Con tôi làm nghề buôn bán ở chợ Sơn Kỳ, hai cha con thuê trọ chung, 1 tháng trả hơn 1 triệu tiền phòng, còn ăn uống thì tự túc bên ngoài, hồi trước xăng rẽ còn đỡ chứ nay xăng tăng cao, giá cơm cũng tăng nên cuộc sống cực lắm”, chú Bé nói.

Trước đây, chú làm nghề trên sà lan nhưng công việc nặng, hầu như ngày nào cũng đi đêm nên chú xin nghỉ và từ đó chuyển qua bán dừa dạo.

p1660136-w1500-h1000.JPG

Anh Trần Văn Tuấn ngồi thẩn thờ bên vệ đường chờ khách

Giống như những người lao động tự do khác, khoảng thời gian này, cuộc sống của gia đình anh Trần Văn Tuấn, 48 tuổi cũng trở nên bấp bênh vì giá cả leo thang. Anh Tuấn chạy xe ôm công nghệ, vợ làm tạp vụ cho nhà trẻ nhưng số tiền mà hai vợ chồng kiếm được đôi lúc không đủ trang trải chi phí hàng ngày.

“Hồi trước tôi chạy đêm, từ 20h tối đến 6h sáng kiếm được 500.000 -700.000 đồng nhưng sau dịch chuyển qua chạy ban ngày, số tiền kiếm được chỉ bằng một nửa ngày trước. Sáng giờ mới chỉ chạy được hơn 190.000 đồng, nay giá xăng tăng mạnh, ví dụ chạy cuốc xe có 30.000 đồng nhưng phải trả tiền thuế cho công ty, nhiều lúc tiền thu về không đủ đổ xăng”, anh Tuấn than thở.

Thời gian sau Tết Nguyên đán, Liên đoàn Lao động, các doanh nghiệp, khu chế xuất... trên địa bàn TPHCM có nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn. Tuy nhiên, những chính sách trên chỉ hướng đến các đối tượng là công nhân, người lao động, còn những lao động tự do như vé số, xe ôm, hàng rong... vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, người lao động tự do mong muốn chính quyền Thành phố, các ban, ngành sớm có giải pháp, hỗ trợ một phần để cải thiện cuộc sống, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Trước đó, trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ, HĐND TPHCM đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ người dân nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lao động nghèo tất tả mưu sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO