Huyện Sông Mã (Sơn La): Mô hình trường học bán trú, điểm tựa cho học sinh vùng cao đắp xây giấc mơ học chữ

Thu Trang – Ngọc Minh| 01/02/2022 20:05

Những ngày cuối năm, thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Huổi Một, xã Huổi Một vẫn hăng say dạy và học. Từ khi có mô hình trường học bán trú, các em có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn, phụ huynh cũng không phải hằng tuần mang gạo và củi xuống trường cho con như trước.

Ngôi nhà thứ hai!

Huổi Một là xã vùng III của huyện Sông Mã, khoảng 10 năm về trước, việc học của con em trong xã chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học, mà hằng ngày phải theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Trước thực trạng đó, các thầy, cô giáo đã đến từng gia đình tuyên truyền, giải thích, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều thầy cô còn chủ động hỗ trợ các em học sinh sách vở, quần áo và đồ dùng học tập. Chính tình yêu thương của các thầy, cô nơi đây đã trở thành điểm tựa cho những học sinh vùng cao trong hành trình đi tìm con chữ.

Chúng tôi có mặt ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Một đúng vào giờ các em chuẩn bị ăn trưa. Tại khu vực nhà ăn, các thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà bếp đang xếp bàn ghế, chuẩn bị các suất ăn cho học sinh và nhắc nhở các em rửa tay trước khi ăn. Vào giờ ăn, học sinh xếp hàng ngay ngắn, theo thứ tự nhận những phần cơm nóng hổi trong cái giá lạnh vùng cao, cùng với sự ân cần, quan tâm, sẻ chia của giáo viên nơi đây, giúp các em học sinh thêm yêu lớp, mến trường, tích cực rèn luyện, học tập.

anh-1-mo-hinh-truong-hoc-ban-tru-diem-tua-cho-hoc-sinh-vung-cao-dap-xay-giac-mo-hoc-chu-w1000-h666.JPG

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Một

Đã gần bốn năm nay, căn phòng nhỏ tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Một đã trở thành ngôi nhà thứ hai của em Dạ Công Chính, học sinh lớp 9A nói riêng và các học sinh trong trường nói chung.  

Em Chính cho biết, nhà em ở cách xa trường 12km, để đến trường bố phải đèo em đi trên con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đá, những hôm trời mưa, trời lạnh đi lại rất vất vả. Nhờ có mô hình trường bán trú, việc đi học của em trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau mỗi buổi học, em không còn vất vả để về nhà như trước nữa mà được ở lại ăn, ngủ, học tại trường, em chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Những bữa ăn tại trường rất ngon và đảm bảo chúng em có đầy đủ sức khoẻ để học tập.

anh-2-mo-hinh-truong-hoc-ban-tru-diem-tua-cho-hoc-sinh-vung-cao-dap-xay-giac-mo-hoc-chu-w1000-h666.JPG

Ngoài giờ học trên lớp các thầy cô còn đến từng phòng hướng dẫn các em học sinh ôn bài

Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ trực theo ca. Ban Giám hiệu nhà trường cũng kiểm tra sát sao khẩu phần ăn hằng ngày của học sinh nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lưu mẫu thực phẩm được kiểm soát thường xuyên.

Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 423 em được hưởng chế độ bán trú. Khi chưa thực hiện nấu ăn cho học sinh bán trú, sau mỗi buổi học các em lại lên rừng kiếm củi, hái rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày, nên nhiều em không đảm bảo sức khỏe học tập. Từ năm học 2013-2014, thực hiện chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú, thầy và trò mừng lắm, bởi không chỉ giúp các em được chăm sóc tốt hơn, mà còn có nhiều thời gian dành cho việc học tập. Những hình ảnh học sinh cơm đùm, cơm nắm lặn lội đi học từ mờ sáng, nghỉ trưa ngay tại lớp chờ học buổi chiều đã không còn. Bây giờ, các thầy, cô giáo cũng yên tâm dạy học vì không còn phải đến từng bản, từng nhà vận động các em đến lớp nữa. Nhờ đó, chất lượng dạy và học được nâng lên, đặc biệt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng nhiều năm nay không còn xảy ra.

Điểm tựa cho học sinh vùng cao

Trường THCS Nà Nghịu có 853 học sinh chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, La Ha với 21 lớp, 48 cán bộ giáo viên, nhân viên. Hiện trường có 110 em ăn, ở bán trú tại trường. Bên cạnh công tác chuyên môn các thầy cô giáo cũng là những “hạt nhân” mang niềm vui đến cho học sinh. Hàng ngày các thầy cô còn chia ca trực, lên lớp hướng dẫn các em ở bán trú ôn bài vào buổi tối, dạy các em kỹ năng sống, tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên Trường THCS Nà Nghịu cho hay, trường triển khai bán trú mới được 3 năm, được sự quan tâm của các cấp, nhà trường đã đảm bảo cho các em ăn, ở tại trường với hơn 100 học sinh. Điều kiện nấu ăn và sinh hoạt của các em tương đối đầy đủ. Các em được chăm sóc về sức khoẻ, hằng ngày cán bộ, giáo viên thay phiên nhau đến từng phòng để kiểm tra, hướng dẫn các em học tập, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo phòng chống dịch bệnh và các em thực hiện rất tốt. Có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt như vậy nên học sinh rất yên tâm học tập.

Em Sộng Thị Ca, lớp 8A2 chia sẻ: “Nhà em ở bản Hua Pàn, đi học xa nhà, đến trường được các thầy cô cho ăn, ở bán trú tại trường, em rất vui. Có khi bị ốm, em được thầy cô chăm sóc và đưa sang Trạm Y tế xã khám, điều trị. Ở dưới mái trường này, thầy cô như người bố, người mẹ thứ hai của chúng em. Em cảm thấy việc học của mình ngày càng tốt lên, ước mơ sau này của em là muốn trở thành một họa sĩ”.

anh-3-mo-hinh-truong-hoc-ban-tru-diem-tua-cho-hoc-sinh-vung-cao-dap-xay-giac-mo-hoc-chu-w1000-h562.JPG

Trường THCS Nà Nghịu nhìn từ trên cao 

Việc tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú đã khiến con trẻ vui mừng khi cắp sách tới trường, phụ huynh yên tâm cho con đi học xa nhà. Anh Lò Văn Hải, phụ huynh học sinh phấn khởi nói: “Chúng tôi đều làm nông nghiệp, suốt ngày trên nương, ít quan tâm đến việc học của con. Bởi vậy, khi có chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú chúng tôi rất phấn khởi, đóng góp công sức, tiền của, cùng nhà trường làm nhà ăn, nhà bếp cho các cháu. Các thầy cô luôn quan tâm, dạy bảo, nên các cháu đến trường được lo ăn, ngủ, học hành, phụ huynh chúng tôi yên tâm lắm”.

Năm học 2021-2022, huyện Sông Mã có 59 đơn vị trường học, 1.564 nhóm lớp với gần 49.000 học sinh, tăng 32 nhóm lớp và 1.376 học sinh so với năm học trước. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình hỗ trợ học sinh, trường học ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường từng bước đáp ứng điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh một cách thuận lợi nhất. Ngành cũng tăng cường công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quan tâm đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các trường bán trú.

Đánh giá về hiệu quả mô hình trường bán trú, ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã cho biết, sự thay đổi lớn nhất từ mô hình trường học bán trú chính là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên nhiều. Toàn huyện có 23 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú với 7.435 học sinh được ăn tập trung. So với năm học trước tăng 1.727 học sinh. 100% các trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú có đủ nhân viên nấu ăn, nhân viên bảo vệ. Các trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú được đầu tư mua sắm dụng cụ nhà bếp, đồ dùng phục vụ nấu ăn, đồ dùng tổ chức bữa ăn tập thể cho học sinh bán trú. Việc đảm bảo điều kiện tổ chức bán trú cũng là giải pháp quan trọng để học sinh yên tâm đến lớp, đến trường.

Đằng sau những bữa cơm ấm áp tình thầy trò vùng cao, là sự nỗ lực, cố gắng của các thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường, với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Dù còn nhiều gian khó, nhưng tâm huyết và lòng yêu nghề của thầy giáo, cô giáo vùng cao ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ giúp các em học sinh đến được bến bờ của tri thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sông Mã (Sơn La): Mô hình trường học bán trú, điểm tựa cho học sinh vùng cao đắp xây giấc mơ học chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO