Giữ gìn tiếng Việt

Kim Sáng| 25/09/2022 20:34

Ngôn ngữ Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú. Trải qua thời gian, ngôn ngữ không ngừng biến chuyển nhưng bản chất và giá trị của nó vẫn không thay đổi. Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngôn ngữ mẹ đẻ luôn song hành và trở thành thứ không thể thiếu trên mỗi chặng đường phát triển.

Vừa qua (ngày 24/9), Hội quán các bà mẹ phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tổ chứctọa đàm với chủ đề "Hành trình phi thường của tiếng Việt" cùng Giáo sư Vĩnh Đào. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo khách mời, độc giả trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Vĩnh Đào đã trò chuyện với độc giả xoay quanh những nội dung như: Lịch sử của tiếng Việt; Tại sao tiếng Việt không bị mất sau một ngàn năm Bắc thuộc; Sự phát minh, việc phổ biến khó khăn và hạn chế của chữ Nôm; Quá trình hoàn thành của chữ Quốc Ngữ; Sự biến chuyển của tiếng Việt qua thời gian…

Theo Giáo sư Vĩnh Đào, ngôn ngữ không ngừng biến chuyển. Qua thời gian, một số từ mới, một cách nói mới xuất hiện, cùng lúc, một số từ khác biến mất, không còn được dùng nữa. Đó là một hiện tượng tự nhiên; muốn níu kéo thời gian, muốn giữ lại tiếng Việt của một thời điểm, ví dụ "trước 1975", là một điều không tưởng. Ngay tiếng Việt của thời điểm 1975 cũng khác với tiếng Việt của thời Phạm Quỳnh trước đó 40 năm, lại càng khác với tiếng Việt thời Trương Vĩnh Ký của cuối thế kỷ XIX.

Giáo sư Vĩnh Đào chia sẻ cùng độc giả về chủ đề "Hành trình phi thường của tiếng Việt"

Trong vòng 40 năm sau này, có những từ mà lúc trước ở miền Nam không thấy xuất hiện, hoặc có nhưng chỉ dùng hạn chế trong một số ngữ cảnh: xử lý (rác thải), tiếp cận, hiệu đính, tình huống… nhưng nay là những từ phổ biến của tiếng Việt.

Tuy nhiên, không phải những lối nói, lối sử dụng từ ngữ nào có khuynh hướng lan truyền rộng rãi và thành phổ biến cũng làm mình thoả mãn.

Theo "Việt Nam Tân từ điển" của Thanh Nghị do Nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1967 thì sở hữu là một danh từ có nghĩa là cái thuộc về mình. Thí dụ, sở hữu động sản. Như vậy theo tiếng Việt tại miền Nam "trước 1975", sở hữu chỉ có thể dùng như là một danh từ, không có trường hợp dùng như động từ. Nghĩa là không nói: tôi sở hữu một cái gì đó.

Việc dùng sở hữu như một danh từ cũng phù hợp với những danh từ tương đương "property" (tiếng Anh) và "propriété" (tiếng Pháp), chỉ những tài sản, chủ yếu là bất động sản, nhà cửa, đất đai có diện tích khá lớn và giá trị khá cao. Không có động từ tương ứng với những danh từ này. Chủ nhân của những tài sản này là "sở hữu chủ" hay là "chủ sở hữu".

Theo "Từ điển tiếng Việt", Viện Ngôn ngữ học (Ủy ban Khoa học xã hội), do Hoàng Phê chủ biên (1988) thì ngoài trường hợp dùng như danh từ (vật sở hữu, quyền sở hữu…), "sở hữu" cũng còn được dùng như động từ với nghĩa "chiếm hữu, sử dụng và hưởng thụ của cải vật chất trong xã hội".   

"Đại từ điển tiếng Việt" do Nguyễn Như Ý chủ biên (Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1998) cũng ghi nhận trường hợp dùng như động từ theo nghĩa "được giữ làm của riêng", thí dụ: sở hữu ruộng đất.

Trong mọi trường hợp, động từ "sở hữu" cũng đi đôi với một bất động sản hay một tài sản vật chất có giá trị. Sau này, vật sở hữu cũng có thể là một tài sản tinh thần, một phát minh, một bằng sáng chế là những sở hữu trí tuệ có thể đổi thành những giá trị vật chất.

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo khách mời, độc giả trên địa bàn TPHCM

Nhưng nay động từ "sở hữu" được dùng tràn lan trong những trường hợp ngô nghê nhất. Thí dụ cô ca sĩ sở hữu một giọng ca ngọt ngào, nàng kiều nữ sở hữu đôi chân dài, em bé sở hữu đôi má phúng phính…

Tệ hại này đang tràn lan đến nổi động từ "có" giản dị, thông dụng, đã có từ ngàn xưa hầu như đã bị đẩy lui vào quên lãng vì một thói quen kệch cỡm.

Như vậy, có thể thấy rằng, tiếng Việt qua thời gian sẽ có những thay đổi nhất định, tùy vào cách sử dụng của con người để biết sự thay đổi đó tạo ra giá trị tốt đẹp hay khiến tiếng mẹ đẻ dần xa rời chúng ta.

Nhìn nhận trên thực tế,bước sang những thập niên đầu của thế kỷ 21, việc sử dụng tiếng Việt trong nhiều trường hợp còn cẩu thả, tùy tiện, vấn đề này thể hiện rõ trong cách giao tiếp hàng ngày, các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí… Mặt khác, một bộ phận giới trẻ đang sử dụng tiếng Việt một cách vô tội vạ, dù không hiểu hết nghĩa nhưng nhiều người vẫn vô tư lồng ghép, pha trộn để phục vụ mục đích của riêng mình. Thậm chí, nhiều người còn vô tình quên đi tiếng Việt, trong khi họ lại thuần thục ngôn ngữ của các quốc gia khác.

Dân gian có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, dù tiếng Việt đa dạng, phong phú nhưng để lưu truyền và phát triển đúng với giá trị thuở khai sinh, mỗi chúng ta hãy có ý thức sử dụng tiếng Việt, đó cũng là cách mà chúng ta thể hiện lòng tự tôn với quê hương, dân tộc. Việc giáo dục về tình yêu tiếng Việt phải được khơi gợi lên hằng ngày, hằng giờ, bắt đầu từ những thế hệ măng non.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng, kiểm duyệt, nhà quản lý văn hóa, các đơn vị xuất bản… cần sâu sát hơn nữatrong công tácbảo tồn, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Giáo sư Vĩnh Đào là Tiến sĩ Văn Học Pháp, Viện Đại Học Paris IV-Sorbonne. Chuyên viênngân sách, tài chánh trong một cơ quan chính phủ Pháp trong nhiều thập niên, naycư ngụ tại một vùng quê miền Tây nước Pháp, nghiên cứu ngữ pháp và viết sách.

“Một lối đi riêng vào cõi thơ” của Giáo sư Vĩnh Đào, do Nhà xuất bản Thế Giới phát hành. Trong tác phẩm, người viết đã lựa chọn trong tập sách này 27 bài thơ, bắt đầu từ thơ của Bà Huyện Thanh Quan đến các nhà thơ Việt Nam cuối thế kỷ 20, thêm một số bài thơ Đường xuất sắc, vài bài thơ tiếng Anh, vài bài thơ tiếng Pháp... kèm theo lời bàn, hướng dẫn bạn đọc theo một lối đi riêng để khám phá và du ngoạn trong cõi thơ.

Bình giải một bài thơ không phải là "bàn hươu tán vượn" dông dài chung quanh những gì mà tác giả đã nói, mà hướng dẫn một lối tiếp cận tác phẩm, giới thiệu những nét đặc sắc, những gì có thể gây xúc cảm cho người đọc, khiến cho chúng ta có cảm giác là đang được đọc một bài thơ hay.

Qua cuộc hành trình này, hy vọng bạn đọc sẽ quen với cách thưởng thức một bài thơ, nhận thấy được những yếu tố nào làm nên một bài thơ hay. Bạn đọc sẽ nhận thấy là thưởng thức một bài thơ có thể dựa trên những tiêu chuẩn giống nhau, dù là tác phẩm được sáng tác bất kỳ dưới thời đại nào, ở dưới chân trời nào, và cõi thơ chỉ là một.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO