“Đệ tử lưu linh” tự đầu độc bản thân bằng “thần dược”... cai rượu

Nhóm PVĐT| 17/02/2017 15:39

Hiện nay, các loại thuốc cai rượu từ Tây y đến Đông y gia truyền được người bán vô tư bày bán, quảng cáo với những cam kết giúp “đệ tử lưu linh” thoát tình trạng nghiện bia, rượu.

Tin lời quảng cáo có cánh, không ít người “nhắm mắt đưa chân” mua thuốc rồi lén bỏ vào nước, thức ăn của người nghiện rượu với hy vọng chấm dứt tình trạng say xỉn từ ngày này sang tháng khác của người thân. Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sĩ lại cho rằng việc tự ý, lén lút dùng thuốc cai rượu chẳng khác nào bỏ tiền mua thuốc đầu độc bản thân.

Loạn “thần dược” cai rượu

Có chồng nghiện rượu nhiều năm, chị H.L.T.A. (30 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) luôn sống trong sợ hãi. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm cách “cứu vớt” chồng khỏi ma men bất thành, chị tin theo lời người Hội trưởng Hội phụ nữ tổ, bàn với chồng lên bệnh viện tâm thần để cai rượu. Tuy nhiên, kế hoạch của chị nhanh chóng tan vỡ vì không được chồng chấp nhận. Bí đường, chị quyết định tin theo các nhân viên bán thuốc tại một tiệm thuốc Tây gần nhà, tìm mua các loại thuốc cai rượu về điều trị chứng say sỉn của chồng.

Trao đổi với PV, chị cho biết: “Nghe chị bán thuốc Tây nói, đi cai rượu ở bệnh viện còn khó hơn lên trời. Ngoài việc tốn nhiều tiền, điều trị lâu dài, mấy người nghiện rượu nặng không bao giờ chịu đi cai. Chỉ nghe đến việc không được uống rượu, bia thôi là mấy ông đã nổi điên, nói gì đến chuyện đi cai. Chị ấy nói bây giờ có nhiều loại thuốc cai chứng nghiện rượu lắm. Thuốc Bắc có, thuốc Tây có. Nghe nói, chỉ cần mua về cho mấy ông uống là mấy ông sẽ sợ rượu ngay”.

Các loại thuốc cai rượu đang được ưa chuộng hiện nay

Theo hướng dẫn của chị A., PV tìm đến các nhà thuốc Tây để mua thuốc cai rượu. Tại nhà thuốc tư nhân D.H. (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), khi được hỏi, người bán giới thiệu rất nhiều loại thuốc cai rượu để PV lựa chọn. Loại rẻ nhất nhưng có tác dụng nhanh nhất là Espéral, mới nhất có BoniAncol, Naltrexone, Campral,… Tuy nhiên, giá cả các loại thuốc cai rượu được nhân viên nhà thuốc D.H. giới thiệu là an toàn và mới nhất rất đắt đỏ. Cụ thể, giá một hộp BoniAncol tùy nhà thuốc dao động từ 400.000-500.000 đồng/hộp, mỗi viên Naltrexone cũng có giá ên đến 50.000 đồng.

Ngoài các nhà thuốc, những loại thuốc trên cũng được bày bán, quảng cáo rầm rộ trên chợ ảo. Tại đây, người bán liên tục giới thiệu các loại thuốc bằng những lời quảng cáo hấp dẫn như: “Thuốc cai nghiện rượu ngoại nhập. Cho kết quả vượt mong đợi chỉ sau một liệu trình”, “Thuốc cai rượu an toàn tuyệt đối”,… Liên hệ với các trang mạng này, người bán luôn khẳng định, các sản phẩm cai rượu đều là thuốc ngoại nhập. Khách hàng chỉ cần mua về, cho người nghiện rượu uống sẽ “đánh bay” tình trạng nghiện rượu dù đã nghiện nhiều năm. Tại đây, các loại “thần dược” cai rượu gia truyền cũng được đăng bán tấp nập.

Các loại “thần dược” gia truyền này cũng được người bán khẳng định tốt cho sức khỏe, ngăn chặn tình trạng nghiện rượu. Thậm chí, sau khi uống các loại thuốc trên, người nghiện rượu có thể phục hồi sức khỏe, tinh thần đã bị rượu bào mòn. Liên hệ với người đăng bán “Thuốc cai rượu gia truyền Y.V.”, PV được tư vấn: “Thuốc được kết hợp từ những loại thảo dược tự nhiên, cho thuốc vào nước đun sôi và lấy nước đó uống thay nước lọc hàng ngày. Thuốc dễ uống không cay không đắng. Người cần cai rượu uống thuốc vào tự nhiên hết thèm rượu không thích uống rượu nữa. Sau khi uống thuốc, người nghiện ăn ngon, phục hồi lại sức khỏe và lấy lại được tinh thần tốt”.

Nguy cơ tự mua thuốc đầu độc bản thân

Đi sâu tìm hiểu, PV nhận thấy, ngoài các nhà thuốc Tây, những người bán thuốc cai rượu trên mạng đều khẳng định, thuốc có hiệu quả tuyệt đối. Đối với các loại thuốc Tây, người bán luôn quả quyết thuốc được nhập khẩu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, đa số các loại thuốc trên đều được người bán nhập lậu hoặc tuồn vào thị trường trong nước theo dạng xách tay, điều kiện bảo quản đều không đạt chuẩn, đáng tin cậy. Trong khi đó, các loại thuốc Đông y gia truyền cũng không được người bán giới thiệu các thành phần của thuốc. Được hỏi, những người này đều trả lời rằng “thuốc gia truyền nên không tiện công khai danh tính thành phần thuốc”.

Tuy nhiên, mặc dù thông tin, hiệu quả các loại thuốc còn mù mờ nhưng không ít người đã tự ý mua về cho người nghiện rượu uống theo kiểu lén lút. Chị A. cho biết: “Tôi vừa mua một lọ Esperal vì loại BoniAncol đắt quá. Hơn nữa, Esperal có hiệu quả nhanh hơn. Mua về, tôi cũng không dám đưa cho ông nhà uống mà lén tán nhuyễn, hòa tan vào nước cho ông ấy uống. Lần đầu uống, tôi thấy sau khi ông ấy uống rượu vào thì nôn mửa, nghỉ nhậu giữa chừng”. Cũng theo cách trên, chị Đ.L.M. (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng hòa tan thuốc nào vào đồ ăn sáng với mục đích giúp chồng cai rượu.

Trao đổi với PV, chị M. cho biết: “Chồng tôi làm thợ hồ nên tối ngày say sỉn. Tôi nghe uống thuốc cai rượu sẽ giúp người nghiện rượu ghê, sợ rượu nên mua về lén cho anh ấy dùng. Ban đầu, khi tôi nhắc đến chuyện cai rượu, chồng tôi cũng không đồng ý. Tôi cũng hơi lo, nhưng khi ra tiệm mua thuốc, người ta chỉ cách hòa tan thuốc vào nước, trộn vào thức ăn cho chồng sử dụng là được. Người bán cũng nói là thuốc này không nguy hiểm, chỉ tạo ra phản ứng khiến người nghiện rượu có cảm giác sợ rượu khi tiếp xúc với rượu bia thôi. Nhưng, sau khi uống thuốc, chồng tôi cũng có dấu hiệu buồn nôn, mặt tái nhợt”.

Trao đổi vấn đề trên, các chuyên gia y tế, bác sĩ cho biết việc tự ý sử dụng thuốc cai nghiện rượu bia rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc cai nghiện rượu bia không đúng theo quy trình, cai nghiện một cách đột ngột có thể khiến người nghiện rượu tử vong. PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Bệnh viện Y dược TP.HCM cho biết: “Đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra trị nghiện rượu. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thuốc nào có tác dụng hoàn hảo trong việc trị nghiện rượu. Hiện, có thuốc cho là chữa chứng nghiện rượu nhưng thực chất chỉ ngăn chặn sự chuyển hoá và đào thải rượu, làm rượu tích luỹ trong cơ thể dưới dạng độc chất gây phản ứng rất khó chịu, khiến dân nhậu vì quá kinh hãi mà không dám uống rượu nữa”.

Hai gói thuốc cai rượu gia truyền PV mua được từ trang mạng “Thuốc cai rượu gia truyền Y.V.” 

“Nghiện rượu cũng như nghiện ma túy, phải có phương pháp điều trị thích hợp. Nhiều người cho rằng chỉ cần dùng thuốc, bắt buộc ngừng uống rượu là được. Đây quan điểm là sai lầm có thể dẫn đến tử vong. Do đó, để cai rượu thành công, tốt nhất người nghiện nên vào các bệnh viện để được điều trị đúng khoa học”, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm.

Cũng theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, việc người thân tự ý lén lút cho người nghiện sử dụng thuốc cai nghiện là rất nguy hiểm. Bởi, một số loại thuốc cai nghiện có những tác dụng phụ, nếu sử dụng tùy tiện có thể khiến người nghiện gặp nguy hiểm.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Một số thuốc cai rượu có tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng sẽ gây nguy hiểm cho người dùng. Ví dụ như Espéral tuyệt đối không được dùng cho người bị bệnh về tim mạch, tiểu đường hoặc nhạy cảm với thuốc, Acamprosate tác động đến hệ thần kinh dẫn truyền GABA, … Gần đây, nước ngoài còn nghiên cứu sử dụng một số thuốc chữa nghiện rượu như Naltrexone, Tiapride hoặc Campral. Các thuốc nói trên mặc dù có tác dụng làm giảm sự thèm rượu nhưng đều gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Do đó, khi sử dụng thuốc cai rượu cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ để tránh các trường hợp biến chứng nguy hiểm”.

Thuốc cai rượu nào cũng có tác dụng phụ

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Các loại thuốc được quảng cáo là có tác dụng cai rượu hầu hết sử dụng theo cơ chế khi bệnh nhân uống thuốc, nếu không uống rượu thì không có chuyện gì xảy ra. Nếu bệnh nhân uống rượu sẽ lập tức có các phản ứng vô cùng khó chịu như đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, da ửng đỏ, hoảng hốt, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi ... Tất cả các thuốc điều trị nghiện rượu đều có tác dụng phụ với mức độ khác nhau. Bởi vậy, tốt nhất phải được bác sĩ khám để có các chỉ định dùng thuốc cai rượu một cách thích hợp, và nếu được dùng thì phải theo đúng chỉ dẫn”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đệ tử lưu linh” tự đầu độc bản thân bằng “thần dược”... cai rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO