Bệnh viện Tâm thần Hà Nội: Chung tay chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

Hà Lan| 01/05/2021 15:00

Những xáo trộn do Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân. Phóng viên Báo Công lý & Xã hội đã có cuộc trao đổi với ThS. BS Vũ Ngọc Úy, Phụ trách phòng KHTH Bệnh viện Tâm thần Hà Nội về vấn đề này.

1-w500-h267.jpg

PV: Thưa ông, được biết thời gian qua bệnh viện phải đón thêm nhiều bệnh nhân ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do dịch covid 19. Tại sao lại sảy ra tình trạng trên?

ThS. BS Vũ Ngọc Úy: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận, khám, chữa bệnh cho nhiều đối tượng người bệnh khác nhau như: Người đến từ các trung tâm cách ly tập trung có biểu hiện rối loạn tâm thần. Người đến từ các khu vực phong tỏa trên địa bàn TP Hà Nội có biểu hiện rối loạn tâm thần. Người bệnh tâm thần lang thang trên địa bàn TP Hà Nội không rõ về tiền sử dịch tễ liên quan đến COVID-19.

Các người bệnh này đều được theo dõi điều trị tại khu cách ly tập trung của bệnh viện. Ngoài ra còn có một số người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện có biểu hiện ho, sốt và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp cũng được cách ly tại buồng bệnh cách ly tạm thời tại khoa điều trị. Tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay bệnh viện đã cách ly theo dõi và điều trị hơn 100 người bệnh nghi nhiễm, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.

3-w500-h276.jpg

Tình trạng này gia tăng là do: Tâm lý căng thẳng sợ mình và người thân bị nhiễm bệnh; dịch COVID -19 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân; việc cách ly (tập trung hoặc tại nhà) ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người bị cách ly; có tình trạng lạm dụng rượu và các chất tác động tâm thần ở những người bị cách ly. Ở những người có bệnh tâm thần trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát việc tái khám và cung cấp thuốc gặp khó khăn nhất là người phải cách ly hoặc ở vùng phong tỏa nên dễ tái phát bệnh.

PV: Ông có thể cho biết thêm cần phải chăm sóc sức khỏe tâm thần như thế nào để giúp cộng đồng biết chăm sóc bản thân vượt qua khủng khoảng do ảnh hưởng của dịch covid?

ThS. BS Vũ Ngọc Úy: Đối với người bị bệnh tâm thần trước đó phải cung cấp thuốc điều trị đúng và đủ, nhất là người ở khu vực cách ly, phong tỏa. Đối với người do sang chấn tâm lý khi có dịch bệnh phải có sự cung cấp dịch vụ khám bệnh, tư vấn và can thiệp để giúp họ vượt qua sang chấn tâm lý (thường là lo âu và trầm cảm). Có thể áp dụng khám bệnh từ xa, tư vấn trực tuyến trong hoàn cảnh bị cách ly.

PV: Khó khăn của bệnh viện trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh? Và bệnh viện đã khắc phục như thế nào ạ?

ThS. BS Vũ Ngọc Úy: Bệnh viện phải thực hiện tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID -19. Thực hiện sàng lọc, khám, điều trị cho nhiều đối tượng người bệnh tâm thần nghi nhiễm Sars - Cov 2 trong đó nhiều người bệnh kích động, tự sát, sảng rượu… là những cấp cứu tâm thần cần theo dõi chặt chẽ. Tại khu cách ly của bệnh viện người bệnh rối loạn tâm thần nghi nhiễm Sars – Cov 2 khó khăn trong tuân thủ các biện pháp phòng lây nhiễm. Nhân viên y tế điều trị, chăm sóc đối tượng người bệnh này cũng gặp nhiều áp lực tâm lý.

Bệnh viện đã thành lập 04 tổ chăm sóc chuyên môn, luân phiên làm việc tại khu cách ly. Nhân viên làm việc tại đây cũng được chia ca để có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Tất cả nhân viên trong bệnh viện đều được tập huấn về quy trình sàng lọc, điều trị và chăm sóc người bệnh nghi nhiễm Sars – Cov 2, tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẫn và phòng hộ cá nhân. Bệnh viện đã thực hiện tốt chế độ trực cấp cứu và các chế độ khác cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch theo đúng các quy định hiện hành. Ngoài ra còn nhiều hình thức khen thưởng động viên kịp thời những nhân viên này.

PV: Xin cảm ơn ThS. BS Vũ Ngọc Úy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội: Chung tay chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO