Bão LIONROCK di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, miền Trung tiếp tục mưa lớn

Gia Nguyễn| 09/10/2021 15:09

Dự báo 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10h ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 90km, cách Nam Định khoảng 100km, cách Thanh Hóa khoảng 170km.

Diễn biến của bão LIONROCK

Hồi 10h ngày 9/10, vị trí tâm bão số 7 (LIONROCK) ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.   

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10h ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 90km, cách Nam Định khoảng 100km, cách Thanh Hóa khoảng 170km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.  

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.  

10bao11h-w605-h421.jpg

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 7 (LIONROCK)

Trong 24 đến 36h tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đến 22h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48h tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

muabao-w660-h409.jpg

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trong trưa và chiều 9/10, trên vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh.

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; từ chiều 9/10, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên gió mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh.  

Trong ngày hôm nay, ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Ngoài ra, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay đến ngày 10/10, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Miền Trung tiếp tục mưa lớn

Do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 7 nên từ ngày 9 - 12/10, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to. Từ chiều 9 - 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm;

Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1-2.

Dự báo, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên 9 - 10/10, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1. 

Không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Hiện nay (9/10), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Chiều và đêm 9/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ ngày 10/10 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.

Từ chiều nay đến ngày 11/10, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ có mưa to đến rất to; từ ngày 10-12/10, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to.

Từ chiều 9/10, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh. Từ chiều nay đến ngày 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh trên đất liền phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 3-4.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.

Khu vực Hà Nội, từ chiều 9 - 11/10, có mưa to đến rất to. Từ ngày mai (10/10), trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-21 độ.

Sáng 9/10, Báo cáo nhanh về công tác phòng chống bão số 7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển.

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh 1946 hộ/6.048 người; Hải Phòng 3.054 hộ/10.716 người; Thái Bình 11.501 hộ/25.567 người; Nam Định 16.686 hộ/50.176 người; Ninh Bình 954 hộ/1.576 người; Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316; Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân). 

Các địa phương cũng đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 4.619 đối tượng F0, F1/04 tỉnh).

Bộ Công An chỉ đạo một số đơn vị chuyên trách và công an các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẵn sàng gần 60.000 cán bộ, chiến sỹ; gần 5.000 phương tiện thủy; hơn 1.000 phương tiện bộ; 830 máy phát điện, gần 30.000 phao các loại phục vụ công tác ứng phó với bão số 7.

Về tình hình tàu cá, đến 6h sáng 9/10, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 33.387 tàu/113.156 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó, số hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình 2.996 tàu/9.677 lao động; neo đậu tại bến: 30.391 tàu/103.479 lao động.

Các địa phương cũng đã thành lập Tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tối qua (8/10) Bộ đội Biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 19 điểm từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão hoặc di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão LIONROCK di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, miền Trung tiếp tục mưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO