Vườn Gòn - Đá Bàn là trận chiến đấu anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và lập chiến công vang dội.
Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu 5, được thành lập vào ngày 10/6/1950 tại xã Tam Chánh, huyện (nay là thành phố) Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tiểu đoàn là đơn vị có kinh nghiệm hoạt động độc lập dài ngày trong vùng địch tạm chiếm, vận dụng sáng tạo và thành công phương thức tác chiến du kích kết hợp với tác chiến tập trung, gây cho địch rất nhiều tổn thất.
Đầu năm 1953, Tiểu đoàn 59 tham gia chiến dịch An Khê, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch này, qua đó thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của chủ lực Liên khu 5. Sau chiến dịch An Khê, Bộ Tư lệnh Liên khu điều Trung đoàn 803 tiến lên Nam Tây Nguyên; riêng Tiểu đoàn 59 tiến vào Bắc Khánh Hòa để đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch.
Vào đến Khánh Hòa, Tiểu đoàn đứng chân tại căn cứ địa Đá Bàn (Ninh Hòa). Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, đơn vị cùng với địa phương thành lập Ban Chỉ huy chung, gồm: Đại diện Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Tiểu đoàn 59 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Ngày 6/4/1953, Tiểu đoàn 59 tiêu diệt hai tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự (Ninh Thân/Ninh Hòa); Đại đội 700 của địa phương phối hợp tác chiến, bao vây đồn Quảng Cư (Ninh Thượng, nay là Ninh Trung) để kiềm chế quân địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 59 tiêu diệt hai tháp canh. Nhân dân địa phương nổi dậy đấu tranh; quân địch hoang mang, lo sợ. Tiểu đoàn 59 tiêu diệt tiếp tháp canh Cầu Lớn (Ninh Thọ), Mỹ Lệ (Ninh Đa), Hội Bình (Ninh Phú), bắt hàng trăm tù binh và thu nhiều vũ khí. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tiểu đoàn 59 đã diệt 5 tháp canh, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở địa phương.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn quân Âu - Phi tinh nhuệ từ Bình Trị Thiên đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói (ngày 18/4/1953), kết hợp với lực lượng của Tiểu khu Khánh Hòa từ Nha Trang kéo ra Ninh Hòa, tổng quân số khoảng 4.000 quân, do viên Thiếu tướng Le Blanc chỉ huy, chia làm 3 cánh, có máy bay và pháo binh yểm trợ, càn quét lên căn cứ Đá Bàn nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 59 và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa.
Sáng ngày 19/4/1953, pháo địch ở Xuân Sơn (Vạn Ninh) bắn dọn đường cho bộ binh địch càn quét. Đến sáng ngày 20/4/1953, các cánh quân địch lùng sục vào căn cứ. Đại đội 700 cùng với du kích đánh tiêu hao địch; quân địch bị chông, mìn, cạm bẫy, chúng dò dẫm từng bước, đốt phá một số căn nhà, trại sản xuất… rồi rút về. Trong khi đó, Tiểu đoàn 59, có một trung đội của Đại đội 700 phối hợp dẫn đường, đã bí mật vòng xuống phía Nam căn cứ tổ chức trận địa phục kích tại Vườn Gòn chờ đánh địch rút lui.
13h00 ngày 20/4/1953, quân địch nối đuôi nhau lọt vào trận địa phục kích của ta. Tiểu đoàn 59 bất ngờ nổ súng, địch hoảng loạn, lớp chết, lớp bị thương. Dựa vào quân số đông, hỏa lực mạnh, địch chống trả quyết liệt nên ta có gặp khó khăn. Các bộ phận bình tĩnh, giữ vững liên lạc, dùng hỏa lực bắn chế áp địch; bộ binh ta thọc sâu chia cắt đội hình địch để tiêu diệt, đánh giáp lá cà, cướp đại liên của địch để tiêu diệt địch; bộ phận đón lõng tiêu diệt địch tháo chạy.
Trận đánh kéo dài từ 13h00 - 16h00. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 400 quân địch, thu nhiều súng các loại. Về ta, sau trận đánh, đơn vị rút về căn cứ an toàn, trong toàn bộ trận chống càn có 25 đồng chí hi sinh. Ta đã đánh bại cuộc hành quân của cả một trung đoàn địch có quân số đông, hỏa lực mạnh hơn ta nhiều lần, căn cứ Đá Bàn của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đứng vững.
Vườn Gòn - Đá Bàn là trận chiến đấu anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã chỉ huy đơn vị chiến đấu và lập chiến công vang dội.
Trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, người chỉ huy có vai trò rất quan trọng, để lại những kinh nghiệm quý báu về xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy trong Lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay.
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu.
Từ thực tiễn lịch sử Tiểu đoàn 59, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị chủ yếu xuất thân từ du kích “đầu trần, chân đất”, chiến sĩ biệt động thành, chiến sĩ các đại đội độc lập… được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, lớn lên trong sự đùm bọc, cưu mang của nhân dân các địa phương từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Tây Nguyên, Khánh Hòa…, đã lập nhiều chiến công vang dội. Lòng yêu quê hương đất nước, lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân đã làm nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn thể hiện sâu sắc bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của từng cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là người chỉ huy tài ba, mẫu mực, giản dị, rèn cán, chỉnh quân rất nghiêm khắc, thương lính như con, ấm áp nghĩa tình.
Trong trận Vườn Gòn - Đá Bàn, đồng chí Nguyễn Lựu cùng Ban Chỉ huy quyết định đưa Tiểu đoàn 59 bí mật, bất ngờ bố trí trận địa phục kích tại Vườn Gòn. Khi trận chiến đấu phục kích gặp khó khăn vì địch dựa vào quân số đông, hỏa lực mạnh để chống trả, đồng chí đã chỉ huy bộ đội chiến đấu mưu trí, gan dạ, dũng cảm, bình tĩnh xử trí các tình huống, giữ vững thế trận tiến công, chế áp hỏa lực địch, thọc sâu “xé nhỏ” đội hình địch để tiêu diệt. Một tiểu đoàn của ta đã đánh tan một trung đoàn địch, giành thắng lợi lớn. Có thể khẳng định rằng, đó là một trong những hình mẫu để xây dựng người cán bộ chỉ huy trong Lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay.
Theo đó, người cán bộ chỉ huy phải có bản lĩnh chính trị luôn kiên định, vững vàng; thấm nhuần chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có phong cách dân chủ, khoa học, sâu sát cơ sở; chấp hành nghiêm 19 điều đảng viên không được làm; nêu cao tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; đề cao trách nhiệm nêu gương theo phương châm: “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “nói đi đôi với làm”; chủ động phòng, chống “phi chính trị hóa” quân đội; cán bộ dù ở vị trí nào cũng luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân theo Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”. Đội ngũ cán bộ, chỉ huy trong Lực lượng vũ trang Quân khu phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định, thể hiện là những người tiêu biểu cho “nhân, trí, dũng, tín, liêm, trung”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách của người lãnh đạo, chỉ huy bộ đội.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy “giỏi một việc, biết nhiều việc”, mưu trí, dũng cảm, kỷ luật nghiêm minh và sâu sát thực tế.
Trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, đội ngũ cán bộ chỉ huy có vai trò hết sức quan trọng. Ta đã sáng suốt né tránh 3 “mũi lao” của địch vào căn cứ địa; tránh điểm mạnh của địch, dùng chiến tranh du kích tiêu hao địch, làm cho chúng mệt mỏi, nhụt chí. Đồng thời, bí mật đưa chủ lực về phía Nam căn cứ, tổ chức trận địa phục kích quân địch khi chúng rút về; ta đánh địch lúc chúng chủ quan, sơ hở nhất.
Trong chiến đấu phục kích, mặc dù quân số và vũ khí trang bị của ta ít hơn địch, song ta vẫn quyết tâm tiến công, lợi dụng yếu tố bí mật bất ngờ, phát huy cách đánh gần, thọc sâu chia cắt đội hình địch để tiêu diệt chúng. Giỏi chiến thuật, thành thạo thủ đoạn tác chiến, mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh và sự quyết đoán của người chỉ huy; tinh thần đoàn kết, chiến đấu ngoan cường của người lính là những nguyên nhân căn bản để Tiểu đoàn 59 làm nên chiến thắng.
Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi trước đã để lại bài học sâu sắc về xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy trong Lực lượng vũ trang Quân khu ngày nay. Cán bộ là gốc của mọi công việc; “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; bộ đội chưa có nước, cán bộ không được kêu khát; bộ đội chưa có cơm, cán bộ không được kêu đói; cán bộ phải thân với đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt.
Trong điều kiện xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên trong Lực lượng vũ trang Quân khu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; bảo đảm phù hợp về số lượng, chất lượng và cơ cấu, mỗi cán bộ phải “giỏi một việc, biết nhiều việc”. Người cán bộ chỉ huy phải là người “có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung của đất nước, quân đội và đơn vị”; mặt khác, phải là người luôn giữ vững nguyên tắc, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; hết lòng yêu thương đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; quản lý, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cán bộ; kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tâp, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực tiễn lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Tiểu đoàn 59 và chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn cho chúng ta thêm kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy mưu trí, dũng cảm, kỷ luật nghiêm minh, luôn sâu sát thực tế. Bài học đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Như vậy, xuất phát từ nền tảng vững mạnh về chính trị - tinh thần, ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, Tiểu đoàn 59 đoàn kết chặt chẽ, tuy vũ khí trang bị của ta còn thô sơ và thiếu thốn nhưng vẫn quyết tâm cao, vượt mọi khó khăn, chiến đấu tiêu diệt địch, đánh tan một trung đoàn tinh nhuệ của quân Pháp có quân số đông, hỏa lực mạnh, vũ khí trang bị hiện đại hơn ta nhiều lần trong trận Vườn Gòn - Đá Bàn. Chiến thắng này cho thấy vai trò quan trọng của người chỉ huy, để lại những kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, “hồng thắm chuyên sâu” trong Lực lượng vũ trang Quân khu 5 ngày nay.