Quyền yêu cầu bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Văn Linh (TAQSKV Quân chủng Hải quân)| 12/09/2022 15:10

Hỏi: Trách nhiệm bồi thường trong vụ án hình sự được quy định như thế nào? Ai có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại? Những thiệt hại nào được bồi thường và mức bồi thường ?

Ảnh minh họa

Trả lời: Trong vụ án hình sự, trách nhiệm bồi thường sẽ phát sinh khi có những căn cứ nhất định. Khi đó, việc bồi thường thiệt hại được tiến hành theo nguyên tắc, năng lực và phương thức nhất định. Đồng thời, pháp luật cũng quy định cụ thể về cách xác định thiệt hại và mức bồi thường. Cụ thể:

* Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

- Có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác như trộm cắp tài sản của người khác, sử dụng bạo lực gây thương tích cho người khác, chửi bởi, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác…

- Có thiệt hại thực tế xảy ra: Có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc tinh thần.

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế: Hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại là hệ quả của việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó. Không thể có thiệt hại nếu không có hành vi gây thiệt hại.

* Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường:

Theo quy định, bị hại và nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu bồi thường.

- Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường.

Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại (trực tiếp hoặc gián tiếp) do tội phạm gây ra.

* Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

- Có thể được giảm mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với kha năng kinh tế của người đó và thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý.

- Mức bồi thường có thể thay đổi khi không còn phù hợp và có yêu cầu của các bên.

- Nếu bên bị thiệt hại có lỗi thì không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Nếu thiệt hại xảy ra do việc không áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế mức thiệt hại thì bên có quyền và lợi ích không được bồi thường.

* Các loại thiệt hại và mức bồi thường:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và các chức năng bị mất, bị giảm sút (tiền thuê phương tiện đưa đi cấp cứu, tiền thuốc, tiền mua thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp, mổ, xét nghiệm, truyền máu, vật lý trị liệu… viện phí, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe theo chỉ định của bác sỹ, chi phí cần thiết khác và chi phí để hỗ trợ, thay thế một phần chức năng như lắp chân giả, mua xe lăn…); thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian điều trị (tiền tàu, xe, thuê trọ, thu nhập…); tổn thất tinh thần (tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở) và thiệt hại khác.

- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, cứu chữa trước khi chết (tương tự trường hợp thiệt hại về sức khỏe); chi phí hợp lý cho việc mai táng (mua quan tài, vật dụng cần thiết, chi phí phục vụ chôn cất, hỏa tháng; không chấp nhận chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ…); cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; tổn thất tinh thần (không quá 100 lần mức lương cơ sở), thiệt hại khác.

- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, các thiệt hại khác như hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được…

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại (thu hồi ấn phẩm, thu thập tài liệu, chứng cứ, tiền tàu, xe, thuê trọ, chi phí yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, cải chính; chi phí tổ chức xin lỗi…); thu nhập thực tế bị giảm sút hoặc bị mất, tổn thất tinh thần (không quá 10 lần mức lương cơ sở) và thiệt hại khác.

* Phương thức bồi thường:

Tùy vào sự thỏa thuận của các bên, nếu các bên không thỏa thuận, Tòa án sẽ quyết định một trong hai phương thức là thực hiện một lần hoặc thực hiện định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền yêu cầu bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO