TT- Huế: Phố cổ Bao Vinh cần được bảo tồn

Nguyễn Thắng - Kim Tuyền| 10/01/2019 15:28

Phố Cổ Bao Vinh mang một phần giá trị lịch sử, văn hóa của kinh thành Huế thuở hoàng kim. Tuy nhiên, những ngôi nhà cổ nơi đây đang mất dần thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Những ngôi nhà còn sót lại cũng đang phải sống mòn vì xuống cấp trầm trọng.

Toàn cảnh phố cổ Bao Vinh

Xuống cấp nghiêm trọng…

Phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là một phần của thương cảng Thanh Hà – Bao Vinh sầm uất thời chúa Nguyễn. Ngày trước, Bao Vinh cùng với Hội An là cửa ngõ mậu dịch lớn nhất Đàng Trong. Tuy nhiên trái ngược với Hội An vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp cổ kính, phố cổ Bao Vinh đang đứng trước nguy cơ bị“xóa sổ”.

Phố cổ Bao Vinh là một trong những di sản văn hóa độc đáo của Huế dưới triều đại nhà Nguyễn với những ngôi nhà gỗ mang kiến trúc của thế kỉ XVIII-XIX đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, mang một phần giá trị lịch sử, văn hóa của kinh thành Huế thuở hoàng kim. Tuy nhiên những ngôi nhà cổ nơi đây cứ mất dần, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng hoành tráng. Những ngôi nhà may mắn còn sót lại cũng đang phải sống mòn vì xuống cấp trầm trọng.

Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa, tu bổ.

Theo quan sát của phóng viên, những ngôi nhà nơi đây đã trải bao mưa nắng và chịu tác động của thời gian nên có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Những vết nứt trên cột trên xà ngày càng lớn theo thời gian, những mái ngói xanh ngắt vì phủ một lớp rêu phong dày cộm nằm thọt lỏm giữa các ngôi nhà cao tầng khiến nguy cơ sập đổ là rất lớn. Ngoài ra việc chủ nhân ngôi nhà tự ý sửa chữa cũng khiến phố cổ bị biến dạng.

Chia sẻ với PV, ông Lê Quang Chất (72 tuổi, chủ của ngôi nhà cổ số 105 Bao Vinh) cho biết: “Ngôi nhà này được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, tính đến nay đã trên trăm năm tuổi. Vì quá lâu nên một số phần của ngôi nhà không còn nguyên vẹn như xưa. Từng có người đến đề nghị tôi đổi khung gỗ cho ngôi nhà bằng gỗ mới và bù 12 cây vàng nhưng chúng tôi không đồng ý”.

Gần đó là ngôi nhà của bà Phan Thị Diệu Liên (77 tuổi) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng vì mối mọt. Bà Liên chia sẻ: “Huế mưa bão triền miên nên nhà cửa rất dễ bị hư hỏng, đặc biệt là nhà gỗ. Tuy nhiên vì nằm trong khu vực di tích nên không được tự ý sửa chữa”.

Hiện nay, chỉ còn bốn ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh còn nguyên vẹn được đưa vào danh sách bảo tồn

Từ năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện công tác khảo sát và năm 2003 có quy hoạch phát huy phố cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, nơi đây còn gần 40 ngôi nhà cổ. Theo dự định của giới nghiên cứu, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Tuy nhiên, khi dự án còn chưa kịp triển khai thì năm 1996, có 11 ngôi nhà cổ “biến mất” và được thay thế bằng những căn nhà gạch ngói mới. Đến nay, toàn bộ phố cổ Bao Vinh chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà cổ, trong đó có sáu ngôi nhà kiến trúc gỗ, bốn ngôi nhà kiến trúc Pháp đang được các hộ dân sử dụng.

Cách đây không lâu, chính quyềnTP.Huế đã đưa bốn ngôi nhà cổ ở phố cổ Bao Vinh còn nguyên vẹn vào danh sách bảo tồn. Đó là những ngôi nhà cổ của các hộ: Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Quang Chất, Phạm Gia Đắc, Nguyễn Thị Thể.

Thế nhưng, theo các hộ dân này, công tác bảo tồn phần lớn phụ thuộc vào chủ nhà bằng cách tự gìn giữ, bảo vệ, không đập phá, không xây mới hoặc thay thế các công trình kiến trúc cổ bên trong nhà.

Cần có những phương án bảo tồn khu phố cổ này

Cần có phương án bảo tồn                                                                               

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa diễn ra, vấn đề quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh đã được các đại biểu tranh luận rất sôi nổi.

Ông Hoàng Hải Minh- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phê duyệt quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh có từ năm 2003, song sau 5 năm phải rà soát và điều chỉnh lại theo quy định. Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ này được rà soát 2018- 2019. 

“Về đề xuất giải pháp, hiện thị xã Hương Trà đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Để tranh thủ ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, KOICA đã nghiên cứu và đưa vấn đề này vào trong tổng thể dự án chung. Hiện có hơn 30 nhà truyền thống ở Bao Vinh có nguy cơ xuống cấp sẽ được bảo tồn theo hướng bảo tồn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... hình thành các tuyến đường chính, kết hợp các bãi đổ xe đầu phố cổ và đường Đặng Tất thuận tiện đậu đỗ, hình thành bến thuyền ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho khách di chuyển. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương dự kiến hoàn thành 2018 đầu 2019 sẽ hoàn thành và kế hoạch bảo tồn 30 ngôi nhà truyền thống này hy vọng sẽ được triển khai sớm”- ông Minh nói.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Trường Hợi trăn trở, hiện phố cổ Bao Vinh còn khoảng 10 ngôi nhà truyền thống, 6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 nhà kiến trúc Pháp đang còn sử dụng tốt. Các ngôi nhà khác đã đập để xây lại hết rồi nhưng không có chế tài nào xử phat. Liệu chúng ta có nên bảo tồn hay không? Hầu như UBND tỉnh không quan tâm đến phố cổ Bao Vinh…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Ty (Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà) cho biết, Đây là chính sách chung của tỉnh, bên thị xã cũng đã nhiều lần đề xuất, điều chỉnh quy hoạch, đề xuất chế độ chính sách nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có chính sách.

Hiện nay, muốn Bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan ban, ngành chủ trì phối hợp với UBND thị xã Hương Trà đề ra soát lại hiện trạng để xây dựng và tham mưu cho tỉnh.

“Tỉnh vẫn chưa có chính sách để bảo tồn phố cổ Bao Vinh nên việc Phố cổ xuống cấp là điều tất nhiên, xuống cấp thì người dân tự sữa chữa, bên cơ quan chức năng không thể cấm được” Ông Ty thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TT- Huế: Phố cổ Bao Vinh cần được bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO