Đời sống

Truyền thông chính sách phải đi trước một bước

Nguyễn Trang 01/06/2023 - 06:39

Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chiều 31/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo bàn về giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.\

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" đề ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện.

anh.jpg
Quang cảnh hội thảo

Qua nắm bắt tình hình, kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người và kinh phí để có thể triển khai truyền thông dự thảo chính sách trong khi công tác truyền thông chính sách, pháp luật phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nhất trí với quan điểm truyền thông chính sách phải đi trước một bước, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bộ đã bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với các chính sách cần truyền thông, chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực của ngành.

Cũng theo ông Sơn, đơn vị này cũng đồng thời phát huy vai trò đội ngũ văn-nghệ sĩ, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong đối tượng chịu sự tác động của chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số.

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược cho rằng để có thể huy động nguồn lực xã hội trong truyền thông chính sách thì Đề án 407 phải là trung tâm để huy động mọi nguồn lực, tổ chức theo khối hoạt động và mạng lưới nghiên cứu chính sách cũng như nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách. Có như vậy, hoạt động truyền thông chính sách có hiệu quả, lan tỏa tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, bước đầu đã có một số cá nhân, tổ chức đề xuất sáng kiến chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông chính sách. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách thời gian tới, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia là cần thiết, quan trọng cần được quan tâm, triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính sách phải đi trước một bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO