Liên quan đến vụ cháu bé nghi bị cha dượng bạo hành, cho sử dụng ma túy tại TP.HCM, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đang làm các thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé.
Vụ việc bé trai có dấu hiệu bị cha dượng bạo hành, cho hút ma túy lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua khiến dư luận vô cùng bức xúc. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật sư Cộng tác - Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP.HCM) xoay quanh vụ việc này.
PV: Báo chí đã thông tin về vụ bé trai khoảng 3 tuổi nghi bị người đàn ông (cha dượng) bạo hành, cho sử dụng ma túy, vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận. Quan điểm của luật sư về vụ việc trên như thế nào?
LSVũ Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, nếu đúng như những thông tin báo chí đưa, có việc bạo hành trẻ em và cho trẻ em sử dụng chất cấm là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và cộng đồng mạng cực kỳ gay gắt.
PV: Nếu xác định có việc người đàn ông bạo hành trẻ, cho sử dụng ma túy. Theo quy định của pháp luật, người đàn ông phải chịu trách nhiệm như thế nào?
LSVũ Anh Tuấn: Trường hợp đúng như thông tin đã đưa và khi có kết quả điều tra, nếu nghi can đã thực hiện những hành vi như trên video clip và báo chí đưa thì nghi can đã vi phạm Điều 134 về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác”; hoặc Điều 140 tội “Hành hạ người khác” căn cứ Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Đối với trường hợp cha dượng là nghi can ép cháu bé sử dụng ma túy, nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ đúng là chất ma túy thì nghi can vi phạm Điều 257 về tội “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” căn cứ Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Còn về khung hình phạt thì tùy theo mức độ hành vi mà nghi can gây ra cho cháu bé về tội Cố ý gây thương tích, Hành hạ người khác, Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy tới mức độ nào để căn cứ định khung hình phạt đối với nghi can.
Những tình tiết tăng nặng đối với nghi can nếu có trong những trường hợp nêu trên được căn cứ tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại điểm I “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên”; điểm K “Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”; điểm 0 “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Ngoài ra, còn vi phạm các quy định theo Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực ngày 1/6/2017 tại Điều 6 “Các hành vi bị cấm” khoản 3 “Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em”, khoản 5 “Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”, khoản 9 “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em, Khoản 12 “Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em, lợi dụng chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi”; Điều 29 - Được quyền bảo vệ khỏi chất ma túy “Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Hiện tại, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM cũng đang làm các thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu bé vì cháu thuộc diện được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoàn toàn miễn phí căn cứ khoản 3, Điều 7 của Luật Trợ giúp Pháp lý năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Xin cảm ơn luật sư!