Nội chính

"Trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng"

Lương Văn 17/04/2024 14:28

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/4 đã cho ý kiến với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, dự thảo giữ như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

Xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt

Tờ trình do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình ký gửi Quốc hội, cho biết Việt Nam đã có nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.

“Các chính sách hình sự cơ bản theo hướng khoan hồng… Thiết chế bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên, đã được kiện toàn...”- theo TAND Tối cao.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì dự án Luật cũng chỉ rõ những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành. “Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia cho thấy thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài. Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng…”- Tờ trình nêu.

Theo TAND Tối cao, những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm, tái phạm vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.

hop.jpg
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/4 (Ảnh: Phạm Thắng).

“Việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là khách quan và cần thiết”- Tờ trình nêu rõ.

Dự thảo Luật gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm 166 Điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Năm phần cụ thể gồm: Những quy định chung; Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và tố tụng đối với người chưa thành niên; Thi hành án phạt tù, tái hoà nhập cộng đồng và Điều khoản thi hành.

TAND Tối cao đã quán triệt 4 quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự án Luật này, trong đó có “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”.

Ngoài ra, xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh khi trình bày tờ trình dự thảo luật.

Dù đã có nhiều luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, song theo ông Tiến, hệ thống pháp luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, hệ thống hình phạt chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Phó Chánh án TAND Tối cao phân tích, một số hình phạt theo quy định hiện hành không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành. Mức hình phạt tù tối đa áp dụng với người chưa thành niên còn nghiêm khắc; điều kiện người chưa thành niên được tha tù trước hạn còn chặt chẽ...

"Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng…", theo quan điểm của cơ quan soạn thảo.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người chưa thành niên.

Lần này, dự thảo bổ sung hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt, đồng thời mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo.

Đáng chú ý, theo đề xuất của TAND Tối cao, đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có tài sản riêng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt với người chưa thành niên, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Với trường hợp phạm loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy), mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết cơ quan thẩm tra tán thành quy định 4 hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như dự thảo luật, gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn.

Dự thảo bổ sung chế định ngăn chặn, cưỡng chế với người chưa thành niên bị buộc tội. Bên cạnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt; tạm giữ; tạm giam, TAND Tối cao đề xuất hai biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Cùng với đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.

Uỷ ban Tư pháp tán thành bổ sung mới biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Nội dung này được kỳ vọng góp phần tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát người chưa thành niên, tuy nhiên cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO