Công an TPHCM đã phát hiện 219 vụ với 346 đối tượng; khởi tố 81 vụ án với 217 bị can là các đối tượng thu hồi nợ về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", triệt phá đường dây bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, mua bán hóa đơn hàng ngàn tỷ đồng…
Ngày 28/11, Công an TPHCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị của Công an Thành phố đã tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm "núp bóng" các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, công ty luật "cho vay nặng lãi" và các hoạt động đòi nợ… có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Công an Thành phố đã phát hiện 219 vụ với 346 đối tượng; khởi tố 81 vụ án với 217 bị can là các đối tượng thu hồi nợ về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "Cưỡng đoạt tài sản" thông qua phương thức đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, tung tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 29 vụ với 29 đối tượng.
Bắt nhiều băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng
Chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng dưới nhiều hình thức.
Cụ thể ngày 29/5, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 11 bị can để củng cố, xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trong số này có Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa), Giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay; Vũ Ngọc Minh Khánh (28 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) là trưởng nhóm; Nguyễn Thị Thùy Vân (28 tuổi, ngụ quận 7); Trần Thị Mai (27 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) là quản lý của khoảng 21 ứng dụng (app) cho vay.
Ngoài ra, nhân viên các công ty như Công ty Golden, Công ty Bamboo… quản lý các app cho vay trên mạng. Trước đó, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM và Cục C02; các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP. Cần Thơ xác minh thu thập tài liệu, xác định hơn 32 app cho vay tiền online.
Theo điều tra, Nguyễn Mạnh Hải là giám đốc Công ty Tiếng Nói Hay; nhân viên có Khánh và Vân. Khánh quản lý 10 nhân viên chuyên thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ khách vay qua app trễ hạn trong vòng 15 ngày.
Nhóm này sẽ nhắn tin, gọi điện cho khách vay, người thân của họ để đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm mục đích để khách vay và người thân trả tiền cho công ty.
Mỗi ngày, từng thành viên nhận khoảng 10 hồ sơ khách vay trễ hạn để thực hiện việc thu hồi nợ và được hưởng lợi 50.000 đồng/3 hồ sơ đầu tiên và 50.000 đồng cho mỗi hồ sơ tất toán tiếp theo.
Tương tự, tháng 10/2023, Công an TPHCM bắt khẩn cấp Phạm Thái Minh (còn gọi là Minh "đen"; 37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Khoản (39 tuổi, ngụ TP Hà Nội), Trần Thị Thanh (28 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, đầu tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM phát hiện nhóm người hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn.
Những người này phát tờ rơi, đăng lên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo quảng cáo. Hình thức cho vay rất đơn giản, nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp.
Cụ thể, người vay chỉ cần cung cấp chỗ ở hiện tại, số di động, tài khoản Facebook, Zalo, giấy tờ tùy thân (CCCD, CMND, hộ chiếu, giấy tờ xe...).
Sau đó, nhóm này sẽ cử người đến địa chỉ nơi cư trú do người vay cung cấp để xác minh có thực tế sinh sống hay không, khi đáp ứng đủ các điều kiện thì mới "giải ngân" tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả đúng thì nhóm này nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới, tạt sơn, chất bẩn và đăng tải các lời lẽ miệt thị trên mạng xã hội Facebook, Zalo nhằm khủng bố tinh thần, ép người vay trả nợ.
Ngoài ra, nhóm này còn quấy rối người thân của người vay để đòi nợ gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực cho người vay hoặc tiếp tục đáo hạn các khoản vay mới để nâng mức nợ.
Nhằm ngăn chặn, không để các đối tượng tiếp tục hoạt động gây ra hậu quả, hệ lụy cho người dân, được sự đồng ý của Ban giám đốc Công an Thành phố, Trung tá Nguyễn Thành Hưng – Trưởng phòng PC02 đã chỉ đạo, phân công, huy động toàn bộ lực lượng và tiến hành áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, xác minh làm rõ.
Qua đó, công an xác định Minh sử dụng trang mạng Facebook, Zalo, nickname "Minh đen" đăng tin quảng cáo: Công ty tài chính F86 cho vay tiêu dùng vay trả góp với khẩu hiệu như "vay vốn trong ngày", "Alo là có tiền"…
Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền sẽ gọi điện. Minh và đồng bọn tư vấn các khoản vay, khi khách hàng đồng ý thì nhóm này cho người đến khảo sát công ty, nhà ở, tài sản, thẩm định hồ sơ rồi ký hợp đồng, giải ngân.
Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Theo Phòng PC02, hành vi của nhóm này mang tính chất chuyên nghiệp, lấy tiền thu lợi bất chính làm mục đích kiếm sống.
Quá trình truy bắt các đối tượng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở về các tỉnh như: Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Ninh.
Ngày 19/10, Phòng PC02 đã chia ba tổ trinh sát ập vào các địa điểm ở quận Bình Thạnh; huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bắt Minh, Oanh, Khoản, Thanh thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Phòng PC02, Công an TP.HCM tiếp tục phối hợp truy xét số đối tượng liên quan để xử lý theo pháp luật; phối hợp các đơn vị liên quan xác minh thông tin lai lịch - mở rộng những người vay tiền để mời làm việc nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn, trốn thuế hơn 4.000 tỷ đồng
Mới đây Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế xảy ra tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh thành…
Công an chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cùng 21 bị can khác.
Theo điều tra, Trang cầm đầu đường dây mua bán, in ấn trái phép hóa đơn quy mô lớn trên nhiều địa bàn tỉnh thành. Doanh số hóa đơn xuất khống đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trước đó, công an phát hiện đường dây in ấn, mua bán trái phép hóa đơn do Trang cầm đầu, phối hợp với Hoàng Ngọc Phượng Trân, Ngô Thị Bích Thủy và những người khác thực hiện nên lên kế hoạch điều tra.
Sau thời gian củng cố hồ sơ, đầu tháng 3/2023, Công an TP.HCM đồng loạt khám xét 9 địa điểm tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, thu giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại, hóa đơn, chứng từ khống.
Tại cơ quan điều tra, Trang và những người liên quan khai nhận để thực hiện việc in ấn, mua bán trái phép hóa đơn bằng cách dùng thông tin của người thân, thông tin mua từ tiệm cầm đồ rồi thành lập các công ty "ma".
Để tiếp cận khách hàng, nhóm này giới thiệu, chào bán hóa đơn GTGT trên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Khách cần thì nhóm này sẽ ghi khống nội dung, giá trị… theo thỏa thuận với mức giá 1,5 đến 2% giá trị hóa đơn chưa thuế. Hoạt động này được xác định từ hồi năm 2018.
Trong đường dây, Trang có vai trò cầm đầu, chỉ đạo, sắp xếp việc mua bán hóa đơn trái phép. Qua hoạt động này, cả nhóm đã thu lợi hàng trăm tỉ đồng và gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Công an xác định, từ năm 2017 đến 2023, Trang cùng đồng phạm đã thành lập, sử dụng 41 pháp nhân mua, bán trái phép 34.292 hóa đơn giá trị gia tăng cho 3.273 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau trên 52 tỉnh/thành trên cả nước với tổng trị giá chưa thuế hơn 3.956 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 380 tỷ đồng; tổng giá trị là gần 4.337 tỷ đồng.