Trẻ em và mạng xã hội

Kim Sáng| 09/08/2022 14:46

Trẻ em tiếp cận với mạng xã hội là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để không gian mạng trở thành môi trường hữu ích, phát huy được tiềm năng, gia đình và nhà trường cần theo sát, có kế hoạch định hướng rõ ràng, tránh để các em nhiễm vào thông tin tiêu cực, độc hại...

Nhiều năm qua, mạng xã hội (face book, zalo, telegram, tiktok…) đã trở thành người bạn thân thiết của mỗi người, không chỉ là không gian vui chơi, giải trí mà mạng xã hội còn giúp ích rất lớn trong công việc và nhiều hoạt động khác.

Hiện nay không chỉ có người lớn mà phần lớn trẻ em đã tiếp cận và sử dụng thuần thục các mạng xã hội. Đây là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Do đó, việc chúng ta làm không phải là cấm cản mà nên đồng hành, cùng trẻ sử dụng mạng xã hội.  

Có thể thấy, trên không gian mạng có nhiều kiến thức mà trong môi trường thực tế không có, nếu biết cách khai thác thì sẽ phát huy tiềm năng, nhưng ngược lại nếu không có kiến thức vững vàng để nhận diện đâu là tốt, đâu là chưa tốt thì các em dễ bị nhiễm vào những thông tin tiêu cực, độc hại. Chưa kể, các em tự ý chia sẻ thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến nhận thức và các vấn đề khác.

Tạo thói quen đọc sách cho các em nhỏ  

Mặt khác, độ tuổi của trẻ vẫn còn nhỏ về mặt thể chất lẫn tâm lý, trẻ dễ nóng giận, buồn, trầm cảm… dẫn đến việc bị tác động bởi các luồng thông tin trên mạng xã hội. Ở nước ta đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ tự tử hoặc thực hiện các hành vi trái quy định pháp luật vì bị dụ dỗ, lôi kéo trên mạng xã hội.

Thạc sĩ Châu Hồng Phúc, giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) nhận định, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong vấn đề sử dụng mạng xã hội của trẻ, vì vậy phụ huynh cần chủ động kiểm soát thời gian các con truy cập trên không gian mạng, quan sát hành vi của các con tại nhà hoặc trên mạng xã hội

Về phía nhà trường, nhất là thầy cô giáo nên nhắc nhở, định hướng, giáo dục ý thức, nhận thức của học sinh khi sử dụng mạng xã hội, có thể thông qua các chuyên đề, nội quy, quy định. Song song đó, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhà trường để đảm bảo dù ở nhà hay ở trường, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ phải có giới hạn và phù hợp.

Đặc biệt, cần lưu ý những trang mạng nào các con cần truy cập, những trang nào không cần thiết…

“Đọc sách và an toàn thông tin cho trẻ trên không gian mạng xã hội”

Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, giảng viên Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho rằng cần phải có chiến lược, kế hoạch để xem và hiểu những nội dung trẻ tiếp cận và thu nhận được trên mạng xã hội đã ổn chưa, từ đó đưa ra phương pháp giáo dục cho trẻ.

“Trẻ tiếp cận với không gian mạng là điều thiết yếu nhưng để trẻ tiếp cận một cách tốt nhất thì phụ huynh nên bên cạnh để hướng dẫn và hỗ trợ cho trẻ”, TS Hoàng Tuấn Ngọc nói.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc, anh Đoàn Xuân Hiển, giảng viên Google for Education cũng cho rằng phụ huynh nên có chiến lược cụ thể, rõ ràng khi tiếp cận với trẻ trong vấn đề sử dụng mạng xã hội vì nếu để các em thỏa sức tìm hiểu, các em thấy không được quan tâm và sẽ tiếp tục chìm đắm trên không gian mạng, do đó cần có quy tắc để ôn hòa thời gian trên mạng xã hội và hoạt động thể chất bên ngoài.

“Đây phải là kế hoạch cả trẻ và cha mẹ đều hài lòng, trẻ có không gian đủ để phát triển”, anh Hiển nói thêm.

Như vậy gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng xã hội. Vì tương lai của con em, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo nên dành thời gian đồng hành để các em sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp, tránh để các em sa đà hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, gây ra những hệ lụy khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em và mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO