Tranh chấp lao động có được kiện ra Tòa khi chưa hòa giải?

Thẩm phán Kim Việt| 05/09/2022 08:50

Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải?

Ảnh minh họa

Trả lời: Hiện nay, pháp luật quy định hòa giải trong các lĩnh vực như: Hòa giải ở cơ sở; hòa giải trong tố tụng hành chính; hòa giải trong tố tụng dân sự; hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Để hiểu rõ quy định của pháp luật về tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải, chúng ta cần làm rõ những nội sung sau: Hòa giải trong tố tụng dân sự và tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải.

I/ Hòa giải trong tố tụng dân sự

Hòa giải trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, áp dụng đối với các trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình. Trong tố tụng, hòa giải là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ việc.

Theo quy định của BLTTDS 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức phiên hòa giải theo quy định trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn; vụ án không được tiến hành hòa giải (Điều 206 BLTTDS) và những vụ án không tiến hành hòa giải được (Điều 207 BLTTDS). Ngoài ra, pháp luật tố tụng cũng quy định việc hòa giải có thể được thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thể hiện bằng việc Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thể thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Tùy mỗi giai đoạn, việc hòa giải, thỏa thuận giữa các đương sự được ghi nhận dưới hình thức và giá trị pháp lý khác nhau.

Những trường hợp không được hòa giải: Vụ án yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì đây là căn cứ suy đoán nội dung thỏa thuận tại biên bản hòa giải thành đã thể hiện đúng ý chí, mong muốn của chủ thể tham gia nên cần được công nhận. 

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay khi được ban hành và có giá trị pháp lý khi không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

II/ Khi nào thì tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải?

Thông thường, các tranh chấp lao động phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các bên có thể kiện thẳng ra Tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp mà không cần thông qua hòa giải.

Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Như vậy, khi tranh chấp lao động thuộc các trường hợp nêu trên thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết mà không cần qua thủ tục hòa giải.

Thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp lao động

Thẩm quyền Tòa án theo cấp: Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015 quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động. Riêng các tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở cấp sơ thẩm.

Thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 BLTTDS:

- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;

- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động.

Thẩm quyền Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn:

- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp lao động có được kiện ra Tòa khi chưa hòa giải?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO