TPHCM: Xin giao đất làm bệnh viện rồi nằm “bất động”

Tâm Phúc| 05/03/2022 17:43

Xin giao đất để thực hiện dự án xây dựng bệnh viện nhưng chủ đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ mà lại chuyển nhượng dự án rồi chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

z32308293825237db245807b0ba43c6cbe63fce5a585d8-w1276-h956.jpg

Cỏ dại mọc um tùm tại khu đất xây dựng bệnh viện  

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg giao đất cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Dự án Khu dân cư 174ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức), trong dự án này có 3.2ha đất công cộng. Năm 2005, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) nộp hồ sơ đề nghị được đầu tư xã hội hóa xây dựng bệnh viện và trường học trong Dự án Khu dân cư 174ha.

Ngày 27/12/2005, UBND Quận 2 có văn bản kiến nghị UBND TPHCM cho phép Công ty Đặng Trần tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng bệnh viện tại vị trí quy hoạch bệnh viên trong khu quy hoạch 174ha. Ngày 10/01/2006, UBND TPHCM có công văn chấp thuận chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đối với diện tích đất quy hoạch thuộc Dự án Khu dân cư 174ha và giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính, UBND Quận 2 hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định.

Ngày 24/02/2006, UBND TPHCM có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng bệnh viện tại khu đất 174ha của Công ty Đặng Trần và giao Sở Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư về thủ tục giao, thuê đất đúng theo quy định.

Ngày 11/04/20006, Sở Tài nguyên & Môi trường có công văn trình UBND TPHCM quyết định cho Công ty Đặng Trần được sử dụng đất để thực hiện dự án. Ngày 13/04/2006, UBND TPHCM ban hành quyết định cho Công ty Đặng Trần sử dụng 32.396m2 tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (thuộc khu đất công trình công cộng trong diện tích 1.737.583m2 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư theo Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 26/04/2001), để đầu tư xây dựng bệnh viện, thời gian giao đất 50 năm kể từ ngày ký quyết định.

Ngày 12/06/2006, Sở Quy hoạch kiến trúc có văn bản khẳng định công trình bệnh viện tại khu quy hoạch dân cư 174ha là phù hợp với quy hoạch. Ngày 04/12/2006, Hội đồng Thẩm định bồi thường TPHCM (Sở Tài chính) có văn bản gửi UBND TPHCM về việc xác định giá trị đất công trình công cộng khi cho Công ty Đặng Trần sử dụng để đầu tư xây dựng bệnh viện. Theo đó, nghĩa vụ tài chính mà Công ty Đặng Trần phải thực hiện khi đầu tư xây dựng bệnh viện là 34.015.800.000 đồng, tiền sử dụng đất mà Công ty Đặng Trần được miễn là 9.232.860.000 đồng, như vậy Công ty Đặng Trần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền 24.782.940.000 đồng. Đến 19/03/2007, Sở Tài chính có văn bản xác nhận việc Công ty Đặng Trần đã nộp số tiền 24.782.940.000 đồng vào ngân sách thành phố.

Ngày 10/8/2007, Sở Tài nguyên & Môi trường cấp GCN QSDĐ số AI334094 cho Công ty Đặng Trần khu đất có diện tích 29.070m2 thuộc thửa 151, 172 tờ bản đồ số 18, 20 phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, mục đích sử dụng đất để xây dựng bệnh viện, hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là 50 năm (diện tích cấp GCN QSDĐ giảm so với quyết định giao đất là do trừ lộ giới đường và vạt góc tại các giao lộ- PV).

Đối với phần diện tích chênh lệch giảm 3.326m2, UBND TPHCM đã chấp thuận hoàn trả số tiền 2.544.390.000 đồng cho Công ty Đặng Trần. Tóm lại Công ty Đặng Trần được giao đất để thực hiện dự án xây dựng bệnh viện và số tiền phải nộp vào ngân sách là 22.238.550.000 đồng.

Công ty Đặng Trần được đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín) theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cấp. Ngày 31/7/2008, Sở Tài nguyên & Môi trường cập nhật biến động trên GCN QSDĐ số AI 334094 của Công ty Đặng Trần với nội dụng người sử dụng đất được đổi tên là Công ty Việt Tín.

Sau khi Bộ Y tế có văn bản đồng ý đề án thành lập Bệnh viện đa khoa tư nhân Ngọc Tâm, Bộ Xây dựng có công văn thẩm định thiết kế cơ sở Bệnh viện đa khoa tư nhân Ngọc Tâm, trên cơ sở tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 03/2/2009, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm với quy mô 500 giường bệnh, dự án hoạt động chính thức từ tháng 10/2010.

Ngày 10/3/2009, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm ký hợp đồng thi công xây dựng với Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới để thi công hạng mục sản xuất, cung cấp và thi công ép cọc bê tông ứng suất trước 400x400 đại trà theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công được duyệt. Sau khi ép cọc xong, công ty đã tạm dừng dự án, không thực hiện thêm bất kỳ hạng mục nào khác. Ngày 23/4/2009, Công ty Việt Tín lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm), giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn được tính theo hợp đồng là 105 tỷ đồng, thời hạn góp vốn 47 năm, đã được Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường về đăng ký nhà đất cập nhật biến động trên GCN QSDĐ.

Đến ngày 03/7/2012, Công ty Việt Tín lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bệnh viện cho Công ty Ngọc Tâm với giá chuyển nhượng 0 đồng. Ngày 27/12/2012, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần 1) với chủ đầu tư là Công ty Ngọc Tâm (thay chủ đầu tư do chuyển nhượng dự án). Theo giấy chứng nhận thì dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 01/2013 – 6/2014; giai đoạn 2 từ tháng 01/2015 – tháng 6/2016 và giai đoạn 3 từ tháng 01/2017 – tháng 06/2018.

Ngày 19/2/2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM cập nhật biến động xóa đăng ký góp vốn ngày 21/5/2009 trên GCN QSDĐ. Đến ngày 29/3/2013, Công ty Việt Tín lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Ngọc Tâm với số tiền 65 tỷ đồng và đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM cập nhật biến động trên GCN QSDĐ vào ngày 07/5/2013.

z3230829364278f54c2a0e2797b0db83da1311d71d8410-w1276-h956.jpg

Dự án chỉ có cọc bê tông được ép tại sao lại được Sacombank dễ dàng chấp thuận cho vay hàng trăm tỷ đồng ?

Ngày 10/4/2014, Công ty Ngọc Tâm thế chấp GCN QSDĐ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Bình Thạnh (Sacombank Bình Thạnh) với số tiền 150 tỷ đồng. Ngày 01/11/2014, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chế quyền sử dụng đất nói trên cho Sacombank Bình Thạnh với số tiền 55 tỷ đồng. Đến ngày 09/5/2016, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất cho Sacombank Bình Thạnh với số tiền 68 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi được cấp GCN QSDĐ, Công ty Đặng Trần đã đổi tên thành Công ty Việt Tín. Quá trình triển khai dự án, Công ty Việt Tín đã góp vốn và sau đó chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Ngọc Tâm. Trong thời gian góp vốn, Công ty Ngọc Tâm đã thực hiện ép cọc tại khu đất, ngoài ra không triển khai thêm hạng mục nào và thế chấp quyền sử dụng đất cho Sacombank Bình Thạnh để vay 223 tỷ đồng.

Tại Kết luận Thanh tra số 9526/KL-STNMT-TTr, Sở Tài nguyên & Môi trường đã kiến nghị UBND TPHCM thu hồi khu đất diện tích 29.070m2, thuộc thửa số 151, 172 tờ bản đồ số 18, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 được UBND TPHCM cấp cho Công ty Đặng Trần (đã cập nhật sang tên Công ty Ngọc Tâm) và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất lập thủ tục quản lý khu đất theo quy định.

Một dự án “trên giấy”, không triển khai thi công được bất kỳ hạng mục nào ngoài việc ép cọc sao lại được Sacombank Bình Thạnh dễ dàng cho vay số tiền hàng trăm tỷ như vậy? “Số phận” khu đất này ra sao?

Công lý & Xã hội tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
TPHCM: Xin giao đất làm bệnh viện rồi nằm “bất động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO