TPHCM: Bao giờ giải quyết việc chiếm đoạt quyền sử dụng đất giữa hai cậu cháu?

Gia Nguyễn| 12/01/2020 11:52

Dù đã liên tục làm đơn khiếu nại về việc bị chiếm đoạt quyền sử dụng đất nhưng đến nay, vụ việc của gia đình anh Lý Vĩ (ngụ quận Tân Phú) vẫn dậm chân tại chỗ, không được giải quyết.

Như Báo Công lý & Xã hội đã thông tin, anh Lý Vĩ (ngụ quận Tân Phú) có diện tích 5845m2 thuộc thửa đất 64 - 65, tờ bản đồ số 5, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 625/QSDĐ/APT ngày 26/10/2001.

Sau đó, anh Vĩ có ý định qua Hoa Kỳ làm ăn và ở lại lâu dài nên có viết một tờ giấy ủy quyền bằng tay, không ghi ngày tháng, không có xác nhận của chính quyền địa phương với nội dung cho ông Huỳnh Văn Xuyên (cậu ruột của anh Vĩ - PV) được quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật như đền bù, giải tỏa và được thay tôi ký các hợp đồng như mua bán, thế chấp, cầm cố, cho tặng…

Tuy nhiên, theo phản ánh của anh Vĩ, thời gian anh ở Hoa Kỳ, ông Xuyên đã tự ý làm giả chữ ký, bôi xóa phần diện tích, số thửa trên Hợp đồng chuyển nhượng số 147/CN ngày 9/2/2004. Cụ thể, tại hợp đồng trích lục ở UBND xã An Phú Tây thể hiện diện tích là 5854m2, thửa số 164 - 165. Giá trị chuyển nhượng và phương thức thanh toán để trống. Nhưng phần xác nhận của UBND xã lại ghi diện tích 5845m2, thửa số 64-65. Còn tại hợp đồng trích lục ở UBND huyện Bình Chánh ghi diện tích đất là 5845m2, thửa số 64-65, giá trị chuyển nhượng là 100 triệu đồng và có dấu hiệu bôi xóa ở phần diện tích chuyển nhượng và số thửa.

tphcm-chiem-doat-quyen-su-dung-dat-1-w809-h308.jpg

UBND xã An Phú Tây

Anh Vĩ cho rằng, việc làm giả giấy tờ, bôi xóa số liệu của ông Xuyên có sự tiếp tay của chính quyền địa phương vì nếu không có UBND xã An Phú Tây và UBND huyện Bình Chánh đóng dấu xác nhận thì diện tích đất của gia đình anh không thể dễ dàng chuyển nhượng cho ông Xuyên như vậy.

Bất ngờ hơn, trong thời gian anh Vĩ đang khởi kiện đòi lại đất, ông Xuyên đã tự ý chuyển nhượng lô đất trên với giá 1 tỷ đồng cho bà Phan Lê Bảo Hương (Quận 10). Kể từ đó đến nay, gia đình anh Vĩ kêu oan khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết.

“Phần đất đó là của gia đình tôi, cậu cháu ruột thịt nhưng không có nghĩa là chiếm đoạt như vậy. Tôi chỉ muốn lấy lại đất để ổn định cuộc sống chứ không hề muốn tranh chấp qua lại”, anh Vĩ nói. 

Ngày 31/5/2017, TAND TPHCM có Quyết định số 581/DSST về việc thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa anh Vĩ và ông Xuyên.

tphcm-chiem-doat-quyen-su-dung-dat-1-w809-h308.jpg

 Phần đất đang tranh chấp quyền sử dụng đất

Ngày 21/8/2019, TAND TPHCM có giấy triệu tập anh Vĩ vì việc tham gia định giá tài sản. Ngày 17/9/2019, Tòa án lại ban hành thông báo hoãn với lý do ngày 30/8/2019, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND, trong đó không có nội dung khắc phục công tác xét xử, thi hành án.

 Ngày 12/12/2019, Tòa án lại tiếp tục thông báo triệu tập anh Vĩ để tham gia định giá tài sản. Tuy nhiên đến nay, vụ việc của gia đình anh vẫn dậm chân tại chỗ, không được giải quyết.

Ngày 18/11/2019, phòng Tài nguyên và Môi trường - UBND huyện Bình Chánh có văn bản số 4054/TNMT trả lời Báo Công lý. Nội dung văn bản nêu rõ: “Trường hợp tranh chấp giữa ông Lý Vĩ và ông Huỳnh Văn Xuyên thuộc thửa 64, 65, tờ bản đồ số 5 thuộc bộ địa chính xã An Phú Tây, được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 625/QSDĐ/APT ngày 26/10/2001 và đang được TAND TPHCM thụ lý theo thông báo số 581/TB-TLVA ngày 19/10/2017.

Trong vụ việc này, UBND huyện Bình Chánh tham gia tố tụng tại TAND TPHCM với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đến ngày 18/12/2017, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh có bản tự khai gửi TAND TPHCM và Tòa án xét xử vụ án trên theo luật định nên phòng Tài nguyên và Môi trường chưa có cơ sở cung cấp thông tin theo nội dung đề nghị của Báo Công lý”.

Tại sao một vụ việc vô lý như vậy nhưng mãi không được giải quyết? Phải chăng có sự bao che, tiếp tay đằng sau vụ việc? Thiết nghĩ, TAND TPHCM nhanh chóng đưa ra xét xử vụ án trên để trả lại phần đất cho chủ nhân hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: Bao giờ giải quyết việc chiếm đoạt quyền sử dụng đất giữa hai cậu cháu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO