Trong khi việc trợ giá cho xe buýt tại TP.HCM vẫn chưa có giải pháp đột phá, việc thay mẫu vé xe buýt được xem là lãng phí.
Ngày 4/1, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc sở Giao thông Vận tải TP) vừa có thông báo khẩn đến các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố về việc phát hành vé tập xe buýt năm 2019 theo mẫu mới từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, vé xe buýt mệnh giá 3.750 đồng/vé (loại 112.500 đồng/tập/30 vé) sẽ được in màu đỏ, bìa màu hồng. Loại mệnh giá 4.500 đồng/vé (loại 135.000 đồng/tập/30 vé) in màu xanh dương, cùng màu với bìa.
Thay mẫu vé xe buýt mới bị xem là lãng phí.
Trung tâm đề nghị các doanh nghiệp vận tải phổ biến rộng rãi tới toàn thể đội ngũ nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nội dung thông báo trên và niêm yết trên xe buýt mẫu vé mới nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vé tập, tránh gây phiền phức cho hành khách.
Đáng chú ý, giá trị của vé xe buýt kiểu mới chỉ có thời hạn trong 3 tháng, kể cả vé thường lẫn vé tập. Điều này khiến nhiều hành khách bức xúc.
Chị Phạm Thị Huyền (ngụ huyện Bình Chánh) chất vấn: “Tại sao vé tập chỉ có giá trị trong 3 tháng mà không phải là 1 năm như trước. Việc này có lấy ý kiến hành khách hay không? Thông báo được áp dụng từ ngày 1/1 mà hôm nay (ngày 4/1) mới công khai, vậy những người lỡ mua vé tập cách đây vài ngày mà không biết quy định này sẽ ra sao?”.
Chị Kim Hoa (nhân viên văn phòng ở quận 9) cũng bày tỏ: “Bây giờ, hành khách đi vé tập còn bị các tiếp viên kỳ thị hơn cả học sinh sinh viên. Vì đa phần họ thích tiền mặt, còn mua vé tập sẽ khiến họ phải đợi lâu mới nhận được tiền trợ giá. Thậm chí, việc tiền trợ giá chậm trễ trong thời gian qua còn khiến họ bực bội hơn, trút hết lên khách đi vé tập”.
Theo thống kê của sở GTVT TP.HCM, lượng khách đi xe buýt trong năm 2018 đã giảm 3,6% so với năm 2017, chỉ đạt 571 triệu lượt khách (90% so với kế hoạch đề ra). Không chỉ vậy, so với thời điểm cuối năm 2017, đã có 7 tuyến xe buýt ngưng hoạt động, bao gồm 5 tuyến có trợ giá là 37, 40, 60, 95, 149 và 2 chuyến không trợ giá là 12, 49.
Lý do của hiện tượng các tuyến xe buýt ngưng hoạt động vẫn là việc xác định kinh phí trợ giá chậm trễ, không đủ bù đắp chi phí. Mặc dù trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM và sở GTVT TP đã báo cáo, trình UBND TP để thay đổi khung và quy định trợ giá xe buýt suốt nhiều tháng vừa qua nhưng đến nay vẫn không có tiến triển.
Thậm chí, đơn xin chuyển từ được trợ giá sang không trợ giá của một số tuyến cũng chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp gặp bế tắc trong tự chủ tài chính.
Theo các chuyên gia, nếu xe buýt TP.HCM chuyển từ trợ giá thành không trợ giá thì TP sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của xe buýt về các mặt xã hội, giao thông đô thị và sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Từ đó, mục tiêu dùng xe buýt để phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế chạy xe cá nhân và kéo giảm ùn tắc của TP.HCM xem như hoàn toàn bị phá sản.