Bảo vệ người tiêu dùng

TP.HCM: Nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng từ xử phạt hàng hoá nhập lậu, gian lận thương mại

Văn Kỳ 27/04/2023 - 16:40

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa tổng kết số liệu cho thấy, trong tháng 4/2023, Cục đã kiểm tra 3.877 vụ chuyên ngành và liên ngành; tổng số vụ đã xử lý là 306 vụ, thu nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng.

Theo đó, trong tháng 4/2023, các Đội QLTT tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, triển khai kiểm tra, kiểm soát đúng trọng tâm.

Về thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới, các Đội QLTT đã kiểm tra 33 vụ, trong đó có 17 vụ vi phạm, tạm giữ 188 bao thuốc lá điếu, 6.877 điếu xì gà và 1.433 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu.

thang44-02.jpg
Lực lượng QLTT quyết liệt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật.

Về hàng hóa nhập lậu, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 90 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 185.545 đơn vị sản phẩm dụng cụ câu cá, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép, đồ dùng cá nhân…

Đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 111 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 49.187 đơn vị sản phẩm quần áo, thực phẩm, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, dược liệu, phụ tùng xe máy, giày dép, thiết bị điện, hàng gia dụng, dụng cụ y tế, trang sức xi mạ, phụ kiện điện thoại di động, mũ bảo hiểm…

Hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 129 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 12.321 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, mũ bảo hiểm, vải… nhãn hiệu Rolex, Hublot, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Honda, Adidas, Nike, Chanel, Versace, Giorgio Armani, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Nón Sơn, The North Face, Uniqlo…

thang4-01.jpg
Lực lượng QLTT lập biên bản tại chỗ 1 vụ vi phạm trong kinh doanh.

Đối với thực phẩm, các Đội QLTT đã kiểm tra 67 vụ, trong đó có 31 vụ vi phạm, đã tạm giữ 32.378 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra 02 vụ vi phạm, tạm giữ là 26.644 kg đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 24 vụ vi phạm, tạm giữ 13.105 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại; 17 vụ vi phạm, đã tạm giữ 158 hộp thuốc đông dược; tạm giữ 700 kg dược liệu các loại; tạm giữ 709 hộp thực phẩm chức năng các loại.

Cục QLTT đã phối hợp kiểm tra liên ngành của Thành phố, TP. Thủ Đức và quận/huyện đã kiểm tra 3.421 vụ, có 19 vụ vi phạm. Tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay cơ bản đã ổn định, tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các cửa hàng xăng dầu để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi ngưng bán hàng không có lý do chính đáng, hành vi găm hàng.

Như vậy, theo số liệu thống kê, trong tháng 4, Cục QLTT đã xử lý 306 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 7.018.478.000 đồng, trong đó 6.087.048.000 đồng tiền thu phạt hành chính và 931.430.000 đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 3,5 tỷ đồng. Cục đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ hàng giả, 1 vụ chuyển trả để xử lý hành chính.

Thời gian tới, Cục QLTT TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng từ xử phạt hàng hoá nhập lậu, gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO