Bạo hành trẻ em: Giải pháp phải đến từ nhiều phía

Lương Gia Cát Tường| 22/07/2022 07:18

Bạo hành trẻ em, giải quyết vấn nạn xã hội này mới là cái gốc của vấn đề. Trong những năm gần đây tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ, gây một tâm lý bất an cho bất cứ ai quan tâm đến con trẻ.

Ảnh minh họa

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, ước tính trung bình mỗi năm, cả nước có từ 3 đến 4 ngàn vụ bạo lực với trẻ em được các ngành chức năng phát hiện và xử lý. Trong đó, có khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại…

Bên cạnh đó, các chuyên gia tư vấn đường dây nóng 111 cho biết, mỗi tháng trung bình họ đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200- 300 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Trong đó chiếm tới 65,88% là số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra. 

Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội, do việc hạn chế đi lại, kèm với áp lực kinh tế, đồng thời việc trẻ em không đến trường tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ là một áp lực lớn đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực tăng lên đáng kể. Chỉ tính trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp; trong đó, hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình.

Điều khiến chúng ta sửng sốt, đau buồn hơn cả chính là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em do bố dượng, mẹ kế, kể cả cha mẹ ruột hoặc người thân trong gia đình gây ra từ mắng chửi, đay nghiến, xúc phạm đến đòn roi, thậm chí là các biện pháp tra tấn dã man.

Nhiều vụ án điển hình như vụ đối tượng Trần Hoài Nam cùng vợ kế thường xuyên bắt phạt con riêng của Nam phải uống nước mắm; đứng ngoài ban công nhiều tiếng đồng hồ; cho ngủ dưới nền nhà, bỏ đói, chửi mắng, đánh đập dã man, đã bị TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội tuyên phạt tổng cộng hơn 11 năm tù.    

Hay trường hợp bị cáo Châu Minh Tiến 29 tuổi bị TAND quận 9, TP.HCM tuyên 6 năm 6 tháng tù giam về tội "cố ý gây thương tích". Nạn nhân là con ruột của Tiến, mới được hơn 4 tháng tuổi với tỷ lệ thương tật 37%.

Và nhiều trường hợp dẫn đến tử vong như trường hợp bé V.A trong vụ ánliên quan đến bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong tại căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh, TP.HCM…

Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em. Về phía gia đình: Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến và được chấp nhận ở Việt Nam, nhiều gia đình, “thương cho roi cho vọt” vẫn còn là thói quen như một tập quán văn hóa; do thiếu hiểu biết về pháp luật, về quyền trẻ em; do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; do tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến; do lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái…, không loại trừ do từ nhỏ đương sự đã từng bị bạo hành.

Về phía xã hội: Do các cơ quan chức năng can thiệp không kịp thời, xử lý ngăn chặn hành vi không rốt ráo; do người xung quanh “làm lơ” vì cho đó là “chuyện riêng của gia đình người ta”, không muốn “rắc rối”; do pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể… 

Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, người lớn nên nhìn nhận lại một cách đúng đắn quan điểm giáo dục của mình. Sử dụng đòn roi dạy dỗ con cái, ranh giới của nó với bạo hành trẻ em là rất mong manh. Với cộng đồng, cần tránh thái độ bàng quan, vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị bạo hành. 

Trong nhiều trường hợp cần thiết cả người lớn và trẻ em trong cuộc nên nhờ đến chuyên gia tâm lý để giải quyết căn cơ của vấn đề. 

Theo Cục Trẻ em, từ vụ tử vong của bé V.A cho thấy tuyến cơ sở tham gia bảo vệ trẻ em còn rất yếu. Cơ quan này kêu gọi, trường hợp phát hiện những vụ bạo hành như trên, bà con nên gọi ngay đến UBND phường xã, công an khu vực và dễ nhất là Tổng đài 111.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo hành trẻ em: Giải pháp phải đến từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO