Bảo vệ người tiêu dùng

Tình trạng lừa đi làm ở nước ngoài còn phức tạp

Hải Long 27/06/2024 - 10:20

Lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài, nhiều đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người lao động.

Cả nước đưa hơn 78.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tính đến ngày 20/6/2024, cả nước đã đưa được 78.024 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, lao động nữ có 23.725 người, đạt 62,4% kế hoạch năm (125.000 lao động) và đạt 107% so với số lượng lao động xuất cảnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản 40.597 lao động (15.863 nữ), Đài Loan 27.350 người, Hàn Quốc 5.565 lao động, Trung Quốc 1.081 lao động nam, Singapore 609 lao động nam, Rumani 379 lao động, Hungary 264 lao động, Ba Lan 196 lao động, Ả rập xê út 317 lao động, Canada 39 người…

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động cao và ổn định, giao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan và các nước Châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Châu Phi.

Bên cạnh các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thì các thị trường khác cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia)...

Lừa đảo xuất khẩu lao động... | HỆ THỜI SỰ CHÍNH TRỊ TỔNG HỢP - VOV1

Lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài diễn ra phức tạp và tinh vi

Từa đảo trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi. Các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người lao động, dù đây là tình trạng không mới, song nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của một số người dân để lừa đảo.

Vào giữa tháng 5, Bộ LĐTBXH phải cảnh báo tình trạng thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ LĐTBXH và phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Để ngăn ngừa tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người dân đề cao cảnh giác trước tình trạng này.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, cùng với việc phối hợp cới các cơ quan thông tin truyền thông, liên tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng một số tổ chức, cá nhân lừa đảo người lao động đi làm việc tại một số thị trường thời gian qua, Cục còn cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài diễn ra trên môi trường mạng.

Ngoài việc phổ biến quy phạm pháp luật, Cục cũng thông tin những vấn đề phát sinh để có thể giảm những vấn đề tiêu cực đối với người lao động. Qua đó nâng cao nhận thức của người lao động, bên cạnh đó cũng giảm thiểu những tiêu cực, đặc biệt vấn đề lừa đảo.

Để tránh sập bẫy lừa đảo, trước hết người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan. Đặc biệt chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn và Cổng thông tin điện tử của Trung tâm lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng lừa đi làm ở nước ngoài còn phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO