v-commerce là tương lai của thương mại điện tử

Lê Tiến Thành| 29/09/2022 09:02

Ngày nay, ứng dụng 3D và công nghệ thực tế ảo (VR) phát triển ngày một nhanh chóng. Hai tiến bộ công nghệ tạo ra trải nghiệm mua sắm trên không gian ảo thương mại điện tử, hay còn được biết đến là v-commerce (thương mại thực tế ảo).

Khởi nguồn từ e-commerce

Ra đời vào những năm 90 với sự xuất hiện của Minitel ở Pháp, thương mại điện tử (e-commerce) hay bán hàng trực tuyến là một phương tiện kỹ thuật số với mục đích vận hành giao dịch thương mại ở một khoảng cách xa. Giao dịch thẻ tín dụng đầu tiên diễn ra ở Mỹ vào năm 1994 bằng việc Phil Brandenberger mua album của Sting với giá 12.48 USD.

Kể từ đó, e-commerce đã tiếp tục phát triển và những con số ngày nay đã tự nói lên tất cả. Theo nghiên cứu mới của Mastercard, chi tiêu cho bán lẻ trực tuyến trên khắp thế giới trong năm 2020 đã tăng khoảng 900 tỷ USD. Nói cách khác, cứ mỗi 5 USD chi tiêu cho bán lẻ thì thương mại điện tử chiếm khoảng 1 USD, tăng từ tỷ lệ trước đó là 1/7 vào năm 2019.

e-commerce rút ngắn khoảng cách mua sắm

Ở Việt Nam, theo khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Tỉ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.

Các nền tảng thương mại điện tử “mở cửa” 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, vì thế những Amazon hay Shopee tiếp cận một lượng người mua hàng rất rộng. Khách hàng có thể mua những gì họ muốn ở bất cứ thời điểm nào và bất cứ đâu.

Theo báo cáo của BCG.com và foxintelligence, gần như 8/10 người dùng internet mua một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua một trang thương mại điện tử. Cơn sốt thương mại điện tử đang diễn ra và đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng 29% trong thời gian nghỉ dịch trong năm 2020.

Tuy nhiên, e-commerce cũng có những hạn chế nhất định. Nhược điểm chính liên quan đến việc đánh giá vật lý và phân loại sản phẩm tại thời điểm mua hàng. Với một vài bức ảnh và chút thông tin ít ỏi về đặc tính sản phẩm, khách hàng khó có được sự hình dung chuẩn xác về sản phẩm đó.

Do đó, khách hàng có thể mất cảm giác về trải nghiệm mua sắm bởi thiếu nhận thức trực quan và xúc giác về sản phẩm. Đây thực sự là một rào cản mua hàng.

Ưu điểm của v-commerce

Các nhãn hàng đang sử dụng v-commerce (virtual commerce) như một chiến lược phát triển mối quan hệ tin cậy mới với khách hàng, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Những thương hiệu cao cấp như Dior, Chanel hay D&G đều đã đã ứng dụng và khai trương các phòng trưng bày ảo. Tất cả các giải pháp công nghệ ảo đưa khách hàng vào thế giới riêng của thương hiệu và mang đến cho họ trải nghiệm sáng tạo, độc đáo.

v-commerce hỗ trợ khách hàng mua sắm thực tế ảo tại nhà

Khác với sự mơ hồ về sản phẩm của e-commerce, thực tế ảo tích hợp trong v-commerce cho phép người dùng trải nghiệm mua sắm ảo hoàn toàn, như thể người tiêu dùng đang ở trong cửa hàng để mua và có quần áo ngay trước mắt mình. Tựu chung lại, v-commerce cho phép người dùng hình dung rõ nét và chi tiết hơn về sản phẩm, đồng thời hiểu rõ hơn về chức năng của nó. Bên cạnh đó, nếu được kết hợp cùng với công nghệ AR, khách hàng còn có thể thử sản phẩm trước khi mua bằng cách mặc lên người bộ đồ hay đeo chiếc đồng hồ, kính mắt lên trước khi mua.

Sa bàn ảo VR 360 (Cullinan Hòa Bình Resort) – ứng dụng v-commerce cho bất động sản

Việc bán và giới thiệu các sản phẩm bất động sản cũng đã vướng phải rất nhiều rào cản tiếp cận khách hàng trong thời kỳ giãn cách xã hội. Ứng dụng sa bàn ảo VR trong việc quảng bá các lợi thế cạnh tranh của mỗi dự án, và tư vấn sản phẩm bất động sản cũng như nội thất cho người tiêu dùng và nhà đầu tư đã trở thành một công cụ không thể thiếu cho các đơn vị phân phối bất động sản cũng như chủ đầu tư.

Nhìn về tương lai, các cửa hàng sẽ là một sự kết hợp hài hòa cả vật lý và kỹ thuật số (phygital). Chanel là một ví dụ hoàn hảo. Hãng thời trang đã kết hợp giữa kỹ thuật số và vật lý trong một dự án tích hợp gương ảo tại chi nhánh của họ ở Paris vào đầu năm 2020.

v-commerce xóa bỏ ranh giới thực và ảo

Thế giới vật lý cũng đang được tích hợp vào thế giới kỹ thuật số bằng các phương tiện hỗ trợ nâng cao mà không cần rời khỏi môi trường ảo. Trên showroom bán và giới thiệu sản phẩm ảo có thể kết hợp tương tác với một trợ lý ảo.

Trợ lý ảo này sẽ hướng dẫn khách hàng đưa ra lựa chọn tốt nhất trên showroom ảo, như một nhân viên bán hàng tại điểm bán vật lý. Thậm chí khách hàng có thể thực hiện một live video call với một nhân viên bán hàng thật để giúp mình trong quá trình mua hàng. Nói một cách đơn giản, v-commerce có thể được ứng dụng linh hoạt nhằm hiện thực hóa phygital.

Thách thức với v-commerce

Bất chấp sự hưởng ứng của người tiêu dùng và thậm chí cả các nhãn hàng, các nhà bán lẻ vẫn tương đối thận trọng trong việc sử dụng công nghệ mới. Thách thức nằm ở khả năng thích ứng với sự phát triển của xã hội tiêu dùng và sự hiểu biết về môi trường công nghệ ảo. Về phía người dùng, họ cũng đã báo cáo một số điểm xung đột, chẳng hạn như giao diện thiếu thân thiện với người dùng, thời gian tải xuống lâu và một số trục trặc nhất định.

Kỳ vọng của người tiêu dùng sẽ tiếp tục định hình phương thức bán hàng

Từ góc độ nhà cung cấp, chi phí đôi khi vẫn cao và công nghệ vẫn đang phát triển nên không thể tránh được những sai số. Thậm chí kính VR (VR headset) cũng sẽ còn phải vượt qua nhiều chặng đường phát triển nữa mới có thể đem lại trải nghiệm thực sự ấn tượng và dễ chịu cho người dùng.

Nhìn nhận thực tế, với đại đa số người sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, thuật ngữ “v-commerce” vẫn còn tương đối xa lạ. V-commerce đang trong giai đoạn đầu phát triển và được dự đoán sẽ hình thành những nhu cầu mới trong hành trình mua sắm. Đặc biệt, v-commerce sẽ là thành tố quan trọng để thực hiện hóa hệ sinh thái web3.0 và metaverse.

Theo số liệu trích dẫn từ VR PLUS, quy mô thị trường Thực tế ảo tăng cường (AR – augmented reality) và Thực tế ảo (VR – virtual reality) toàn cầu được dự báo ​​sẽ tăng lên 125,19 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm (CAGR – compound annual growth rate ) trên 35%.

Theo nghiên cứu của Get App 2020, 45% người được hỏi nói rằng họ có khả năng mua nhiều hơn với các thương hiệu cung cấp các tương tác sản phẩm và dịch vụ bằng cách sử dụng công nghệ nhập vai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
v-commerce là tương lai của thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO