Đông Nam Á tăng tốc để trở thành trung tâm EV tiếp theo của thế giới

PV| 28/10/2022 13:44

Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đạt được mục tiêu về cắt giảm khí thải. Với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, khai thác nguồn năng lượng tái tạo, các quốc gia Đông Nam Á đã thúc đẩy sự phát triển của loại hình xe điện nhằm giảm lượng khí thải carbon, thu hút đầu tư và tạo cơ hội việc làm.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, 20% tổng số phương tiện giao thông trong khu vực sẽ sử dụng điện vào năm 2025, thậm chí còn có nhiều tiềm năng phát triển hơn khi  tổng dân số của khu vực là hơn 680 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Trong đó, Đông Nam Á được xem là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ EV (Xe điện). 

Thị trường pin EV ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dự báo sẽ vượt 90 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi các quốc gia như Mỹ tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng các công nghệ mới nổi thì Đông Nam Á trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn. 

Ảnh minh hoạ 

Các nước trong khu vực đang thực hiện những bước đi phù hợp để xây dựng các ngành công nghiệp trong nước như một phần thiết yếu của hệ sinh thái EV. Hiện tại, dù gần 75% tổng số pin lithium-ion và 50% nguyên liệu tinh chế pin hiện có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng Indonesia đang có vị thế tốt để trở thành tâm điểm sản xuất pin khi quốc gia này sở hữu các mỏ niken, thiếc và đồng lớn nhất thế giới. 

Để đạt được mục tiêu này, năm 2020, chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken để chuẩn bị cho nhu cầu gia tăng trong chuỗi cung ứng pin. Vào tháng 6 năm nay, Indonesia đã mở cơ sở sản xuất pin EV đầu tiên với các yếu tố đầu nguồn và hạ nguồn sản xuất pin ở Trung Java.

Thái Lan cũng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang sử dụng xe điện của người tiêu dùng và tốc độ phát triển hệ sinh thái xe điện, củng cố vị thế “Detroit của Đông Nam Á” (thành phố Detroit thuộc bang Michigan, Mỹ - nơi được xem là kinh đô sản xuất ô tô của thế giới). Theo mục tiêu của Xứ sở Chùa Vàng, từ năm 2030, 30% xe sản xuất trong nước là xe điện, tương đương khoảng 750.000 xe/năm.

Kể từ đầu năm, Chính phủ Thái Lan đã công bố hàng loạt chính sách khuyến khích xe điện, bao gồm giảm thuế, tăng trợ cấp cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất. Cụ thể, mỗi xe sẽ nhận tối đa 150.000 baht, tương đương xấp xỉ 100 triệu đồng. 

Nhờ trữ lượng và tài nguyên niken lớn, Việt Nam cũng là quốc gia lý tưởng để sản xuất pin xe điện. VinFast, thuộc Tập đoàn Vingroup đã tạo nên một bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực xe điện toàn cầu. 

Vào tháng 12/2021, công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy dự kiến sản xuất 100.000 bộ pin mỗi năm để bán và sử dụng cho các phương tiện do công ty sản xuất. Trong một thời gian ngắn, VinFast đã mở ra một hệ sinh thái toàn cầu bao gồm hàng loạt viện nghiên cứu công nghệ xe điện tại Mỹ, Úc và Châu Âu. 

Dây chuyền sản xuất ô tô hiện đại hàng đầu khu vực của VinFast

Mới đây, hãng xe Việt tiếp tục công bố phát triển thành công ba dòng xe thông minh đầu tiên là VF31, VF32, VF33 và dự kiến xuất khẩu sang 3 thị trường trên vào năm 2022. Việc nội địa hóa chuỗi cung ứng sẽ nâng cao tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm sản xuất, và danh tiếng của Vinfast sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. 

Tại Malaysia, nước này đã lên các kế hoạch mở rộng việc sử dụng xe buýt và taxi điện như một phần trong nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng và ngành công nghiệp chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Bên cạnh đó, Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) cam kết sẽ điện hóa 100% dàn xe buýt vào năm 2040.

Đáng chú ý nhất, Singapore đặt mục tiêu xây dựng 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, bao gồm 40.000 điểm tại các khu đỗ xe công cộng và 20.000 điểm tại khu dân cư. Quá trình này sẽ do Nhà nước chủ trì và phối hợp với các đơn vị tư nhân thực hiện. Như vậy, đến năm 2030, tại Singapore cứ 5 xe điện sẽ có một điểm sạc.

Các công ty quốc tế khác cũng nhận thấy tiềm năng của Đông Nam Á. CATL của Trung Quốc và Foxconn có trụ sở tại lãnh thổ Đài Loan đều đang xem xét đầu tư vào các nỗ lực của Indonesia nhằm nâng cao năng lực sản xuất pin.  

Đông Nam Á đang có những lợi thế nhất định với tư cách là một trung tâm sản xuất giá rẻ toàn cầu, đồng thời là một thị trường khu vực rất hứa hẹn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp hiện tại và doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực kinh doanh rất hấp dẫn này, về lâu dài sẽ dẫn đến việc chuyển đổi khu vực thành trung tâm sản xuất xe điện giá rẻ trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á tăng tốc để trở thành trung tâm EV tiếp theo của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO