Theo The NYU Dispatch, đồ họa truyền thống thu hút 5% tương tác trong khi meme có thể mang lại lượt tiếp cận cao hơn 10 lần với 60% tương tác tự nhiên trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày nay, meme là một công cụ mạnh mẽ giúp các thương hiệu thực hiện các mục tiêu tiếp thị.
Năm 1976, nhà sinh học Richard Dawkins đã dùng từ “meme” trong cuốn sách “The Selfish Gene” để mô tả một ý tưởng, hành vi hoặc phong cách nhanh chóng truyền từ người này sang người khác. Nhà khoa học đã ví sự lây lan của meme như virus. Ngày nay, “meme” được dùng để chỉ những hình ảnh hoặc gif hài hước, thường được ghép với một văn bản ngắn và được lan truyền nhanh chóng qua Internet.
Ít nhất 2/3 thế hệ Gen Y và Gen Z thường xuyên chia sẻ meme. Theo một khảo sát về hành vi trên mạng xã hội của Ypulse, 55% người trong độ tuổi từ 13-35 gửi meme cho bạn bè hàng tuần và ít nhất 30% trao đổi meme hàng ngày. Gần 1/4 số người được hỏi cho biết họ gửi meme nhiều lần mỗi ngày. Thay vì mục tiêu mua vui đơn giản, meme ngày nay đã được thương mại hóa bởi nhiều thương hiệu và được sử dụng như một chiến lược tiếp thị.
Meme marketing là một nhánh nhỏ của tiếp thị lan truyền (viral marketing). Tiếp thị lan truyền là chiến lược marketing có khả năng tác động đến hành vi chia sẻ nội dung, thông điệp từ người này đến người khác một cách nhanh chóng, tựa như cách thức lan truyền theo cấp số nhân của virus.
Thông thường, các thương hiệu sử dụng meme để chia sẻ thông tin một cách vui nhộn hơn, truyền tải những khái niệm phức tạp như văn hóa công ty một cách độc đáo và gia tăng tương tác với khách hàng. Sự ngăn cách giữa thương hiệu và người dùng được gỡ bỏ bởi sự hài hước và biến tấu đa dạng trong thông điệp.
Ngoài ra, ưu điểm của meme marketing còn nằm ở hiệu quả chi phí cao. Tất cả những gì thương hiệu cần có là kết nối Internet và khiếu hài hước.
Thời điểm là chìa khóa của meme marketing. Meme cũng có “tuổi thọ”, chúng sẽ dần bị thay thế bằng các hình ảnh hài hước khác. Do đó, các nhãn hàng cần theo dõi và cập nhật liên tục những gì đang gây xôn xao trên các trang mạng xã hội, sau đó thêm thắt cá tính thương hiệu và yếu tố vui vẻ để tạo ra những meme có tính lan tỏa cao.
Một trong những nhãn hàng đi đầu trong tiếp thị meme là Durex. Thương hiệu bao cao su nổi tiếng luôn tạo ra những sản phẩm hài hước và bắt kịp xu hướng.
Ngày 23/3, tàu Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới đã bị mắc cạn khi di chuyển qua kênh đào Suez. Sự việc này khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực. Tin tức trên được lan truyền rộng rãi tại thời điểm đó.
Chỉ vài ngày sau đó, Durex đã đăng tải một meme với hình ảnh tàu Ever Given chắn ngang sản phẩm của thương hiệu, kèm dòng chữ “Always protecting your cargo” (Tạm dịch: Luôn bảo vệ hàng hóa của bạn). Bài viết của Durex đã nhận về 2,6 nghìn lượt thích và hơn 700 lượt chia sẻ chỉ sau 2 ngày.
Có nhiều meme kinh điển được sử dụng lặp đi lặp lại qua thời gian khẳng định sức hút không hề nhỏ với cộng đồng người dùng mạng. Tuy nhiên, sử dụng nội dung hoặc hình ảnh của chính thương hiệu làm cơ sở cho meme sẽ giúp sản phẩm và dịch vụ của nhãn hàng trở nên đáng nhớ hơn đối với khán giả.
Ví dụ, Netflix đã tạo một tài khoản Instagram có tên “Netflix is a joke” (Netflix là một trò đùa), nơi chia sẻ các meme về các chương trình được chiếu trên nền tảng. Trang này hiện có 1.7 triệu người đăng ký. Nhờ đó, các bộ phim của Netflix thu hút được nhiều khán giả hơn.
Một ví dụ khác về chiến lược tiếp thị meme đầy sáng tạo là chiến dịch “The Feeling When” của Gucci vào năm 2017. Thương hiệu thời trang Ý đã hợp tác với các nhà sản xuất meme trên Instagram để quảng bá bộ sưu tập đồng hồ của mình.
Giống với bất kỳ chiến lược tiếp thị nào, các nhãn hàng cần đảm bảo meme của họ phản ánh giá trị cốt lõi của thương hiệu. Các công ty có thể sử dụng meme phổ biến có sẵn, tuy nhiên, cần phải chắc chắn ý nghĩa của nó, sau đó tìm ra cách thêm thắt bản sắc riêng. Nếu một thương hiệu hướng đến sự thân thiện và ấm áp, thì một meme với sự hài hước thô thiển có thể sẽ khiến khách hàng bối rối và cảm thấy phản cảm.
Gucci - một trong những "bậc thầy" về chiến lược tiếp thị lan truyền, đã sử dụng một bức tranh thời Phục Hưng để làm meme. Nội dung dí dỏm nhưng vẫn thể hiện sự sang trọng và gu thẩm mỹ của nhãn hàng.
Thay vì chỉ đăng lại các meme phổ biến, thương hiệu có thể đưa khẩu hiệu, sứ mệnh hoặc các giá trị sản phẩm của mình vào văn bản để tạo cảm giác độc đáo. Cá nhân hóa các meme có sẵn đồng thời giúp tăng độ nhận diện thương hiệu.