“Tiên ông” làng võ Bình Định và bí kíp “binh khí” khăn

Dương Kha| 29/01/2018 10:46

Như câu chuyện của những anh hùng hiệp khách thời xưa, 15 tuổi Lê Xuân Cảnh đã đi khắp nơi để “tầm sư học đạo”. Hơn chục năm trời rong ruổi theo học võ, trở về quê nhà ông mở lõ võ truyền dạy những tinh hoa võ thuật mình học được cho học trò.

Tầm sư học đạo đậm nét... anh hùng hiệp khách

Đã ngoài tuổi thất tuần nhưng lão võ sư Lê Xuân Cảnh (75 tuổi, ngụ thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn không chịu nghỉ ngơi mà luôn tất bật với nghiệp võ. Hiện nay, ông là trưởng môn của lò võ mang tên Lê Xuân Cảnh, đào tạo được hàng ngàn võ sinh, cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Bình Định. Ông còn gây dựng phong trào võ cổ truyền thị xã An Nhơn trên cương vị Phó chủ tịch chi Hội võ thuật An Nhơn suốt 10 năm liền. Không những thế, ông còn đa mang khi khởi xướng và đào tạo những võ sinh để thi đấu cờ võ rất độc đáo ở Nhơn Hưng...

Chúng tôi từng gặp nhiều võ sư có tiếng ở “đất Võ” nhưng hiếm có lão võ sư nào đảm trách nhiều công việc như vậy khi tuổi đã cao. Khi chúng tôi hỏi về lý do, ông Cảnh cười đôn hậu, rồi nói: “Mình đi học võ của các thầy, học được cái đạo cái nghĩa của võ rồi, mà nhìn thấy những ngón đòn mình đam mê suốt đời đang mất dần đi thì có lỗi với công lao truyền dạy của các thầy lắm”.

Lão võ sư Lê Xuân Cảnh

Cũng như cố võ sư Phan Thọ, lão sư Lê Xuân Cảnh từng học nhiều thầy. Con đường tầm sư học đạo của ông ly kỳ, mang đậm nét anh hùng hiệp khách thời xưa. Ba lần bái sư là ba lần ông được học những bài võ đắt địa mà sau này ông đã chắt lọc những nét độc đáo tạo thành những bài quyền, cước độc đáo để truyền dạy tại võ đường của mình.

Học võ từ năm 15 tuổi, cao thủ đầu tiên Lê Xuân Cảnh khi ấy tìm đến bái sư chính là võ sư Lý Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ), một trong những truyền nhân của môn phái dòng họ Lý lừng danh ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định). Sau ba năm thọ giáo võ công nhà họ Lý, khi đã phần nào lĩnh hội được những bài quyền nổi tiếng của môn phái, ông quyết định giã biệt thầy lên đường rong ruổi tiếp tục học võ.

Người thầy thứ hai của Lê Xuân Cảnh là ông Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn), một trong những đệ tử của cố võ sư Hồ Nhu. Ở đây, Lê Xuân Cảnh đã được tiếp cận với những bài roi vang danh thiên hạ của làng võ Thuận Truyền. Những tưởng bước chân giang hồ đã dừng lại ở đó, nhưng sau một năm Lê Xuân Cảnh lại tiếp tục lên đường học hỏi.

“Tôi đi khắp nơi, thì nghe nói ông thầy Bửu Thắng, tu hành trong một ngôi chùa ở Tuy Phước, có những đường roi rất hay, được truyền dạy từ võ sư Văn Bảo Hiến (Gò Bồi), vốn là cao thủ Thiếu Lâm Tự từ Trung Quốc lưu lạc sang. Tôi mạnh dạn đến xin làm học trò, nhưng thầy nói: “Cậu có đủ kiên trì để học võ của tôi không?”. Sau đó, tôi đã xin nguyện với thầy: “Nếu như cuộc đời con mà  không học được bài roi của thầy thì con không nói chuyện võ nữa”. Và tôi kiên trì ở lại “võ luyện” suốt 11 năm trời”, ông Cảnh nhớ lại.

Không mạnh mẽ đầy uy lực nhưng... hiệu nghiệm

Lão võ sư Cảnh không chỉ uyên thâm về kiến thức võ học mà còn rất hồn hậu, chân chất, mang đậm bản chất của người dân xứ Nẫu. Theo lão võ sư Lý Xuân Hỷ (con của cố võ sư Lý Tường-thầy của Lê Xuân Cảnh), lão võ sư Cảnh nổi tiếng trong làng võ với những bài roi, bài đao nhưng ông không thượng đài, phân tài cao thấp. Lão võ sư Cảnh lại vốn tính ít nói, không thích ồn ào, sống thanh đạm, nên ông được mọi người ví như một “tiên ông” của làng võ Bình Định.

Vốn tính ít nói, không thích ồn ào, những tưởng Lê Xuân Cảnh sẽ giữ mãi những đòn võ thuật cho riêng mình. Nhưng 1975, ông quyết định mở lò võ mang tên mình để truyền dạy võ cho con cháu trong làng, khiến nhiều người bất ngờ. “Cái nghiệp võ đã thấm vào da thịt tôi, khiến tôi không thể yên tâm “ở ẩn” mãi. Tôi không muốn những tinh hoa võ thuật mà mình rong ruổi theo học suốt 15 năm trời đang dần bị mai một. Vì vậy tôi quyết định mở lò dạy võ, như một cách để giữ lại tinh hoa võ thuật dân tộc”, lão võ sư 75 tuổi bộc bạch.

Những thành tích lão võ sư Cảnh đạt được

Với mục đích đó nên lão sư Xuân Cảnh thu học phí rất ít, gọi là có chút tiền để chăm chút thêm cơ sở vật chất cho võ đường. Ban đầu chỉ với 10 môn sinh, ngày nay lò võ của lão sư Cảnh đã nức tiếng một vùng. Hàng ngàn võ sinh đã được rèn dạy các bài võ binh khí như Song đao, Song phủ... và các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái.

Đặc biệt, điều tạo nên thương hiệu võ đường Lê Xuân Cảnh chính là bí kíp “binh khí” khăn. Lão võ sư Cảnh giải thích: “Trong Thập bát ban võ nghệ có 18 món binh khí, “binh khí” khăn được xếp vào loại “nhuyễn tiên”. “Nhuyễn” là mềm, “tiên” là roi, thuật ngữ “nhuyễn tiên” dùng chỉ chung cho các loại hình binh khí mềm, uyển chuyển như: khăn quấn đầu, khăn quàng cổ, dải lụa đào, dây thắt lưng, chuỗi tiền, dây xích sắt, phất trần, xà vĩ tiên, lưu tinh chùy…”.

Theo lão sư Cảnh, “binh khí” khăn có thể đánh, quật, móc, khóa, trói… Người giỏi dùng “binh khí” khăn có thể thắng đuợc các loại binh khí khác. “Binh khí” khăn có thể đánh vung ra một vùng rộng, phóng ra uốn lượn như rồng bay; có thể tấn công dài, ngắn, xa, gần đều thích hợp. Không mạnh mẽ đầy phô trương uy lực như đao, kiếm, chiếc khăn quàng trên người, quấn trên đầu là một vật dụng gần gũi với con người, chỉ đến khi gặp khó khăn mới thực sự bộc lộ tính năng là một binh khí hiệu nghiệm, linh hoạt, uyển chuyển. Đó cũng chính là tinh thần của võ Việt: Học võ để phòng thân và cứu giúp người hoạn nạn chứ không phải để phách lối, khoa trương.

Nhưng không phải ai cũng học được các kỹ pháp “binh khí” khăn. Lão sư Xuân Cảnh tiết lộ thêm: “Cũng như các binh khí “nhuyễn tiên” khác, “binh khí” khăn lấy chuyển động vòng tròn làm chính, sức công phá trên nguyên lý ly tâm, là một loại binh khí mềm nên dễ quấn bắt, cột trói… nhờ vào sự linh hoạt của cánh tay, cổ tay và cơ bắp phối hợp các phần trên thân thể, bộ pháp, thân pháp mà tấn công mục tiêu. Việc tập luyện “binh khí” khăn sẽ trở nên dễ dàng khi người tập đã trải qua một thời gian tập luyện quyền cước của một môn võ nào khác. Bởi lẽ, nghệ thuật đánh khăn đòi hỏi sự nhịp nhàng, uyển chuyển, quyền biến, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thăng bằng… Muốn được vậy, người sử dụng nhuyễn tiên phải phối hợp thuần thục tấn pháp, bộ pháp, thân pháp… cùng các kỹ pháp “binh khí” khăn”.

Kể từ khi giải võ cổ truyền toàn tỉnh Bình Định ra đời, năm nào võ đường Lê Xuân Cảnh cũng tích cực tham gia và đều có võ sinh đạt được huy chương, nhất là ở nội dung biểu diễn. Không những thế, võ đường Lê Xuân Cảnh còn khởi xướng và đào tạo đội võ sinh để thi đấu cờ võ rất độc đáo ở Nhơn Hưng. Rồi đào tạo các đội múa lân quy mô để thường xuyên đi biểu diễn khắp trong và ngoài tỉnh Bình Định.

Trước khi chia tay chúng tôi, lão sư Cảnh tâm sự: “Tiếc là tôi mới khỏi bệnh nên không thể biểu diễn vài chiêu trong “binh khí” khăn, cho các cô xem được. Tuổi đã cao nên cũng bệnh tật đầy người, vợ con đối lúc cũng cằn nhằn, tôi cũng định nghỉ nhưng mấy đứa học trò cứ nài nỉ. Thôi ngày nào còn khỏe, ngày ấy tôi còn cống hiến cho võ thuật”.

Ông Thái Văn Thoại, Phó Chủ tịch xã Nhơn Hưng nhận xét: “Võ đường Lý Xuân Cảnh từ lâu là nơi đào tạo được hàng ngàn võ sinh, cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Bình Định. Đáng trân trọng nhất ở võ đường của thầy Lê Xuân Cảnh là truyền thống giỗ tổ hàng năm vào ngày 17/5 âm lịch. Đó như một cách để giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo, nhắc nhở các thế hệ môn sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiên ông” làng võ Bình Định và bí kíp “binh khí” khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO