Sáng 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.
Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Thông qua Hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp cận một cách minh bạch, cụ thể những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh để có chiến lược đầu tư lâu dài.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, một tuyên ngôn và một hành động làm mục tiêu chung.
Tỉnh cam kết 2 nhanh, 3 tốt; 2 nhanh là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp với khẩu hiệu "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui".
Trước khi tham dự Hội nghị này, chiều ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi khảo sát thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng thuộc huyện Phụng Hiệp-nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, được mệnh danh là "lá phổi xanh" của ĐBSCL.
Được biết trong Hội nghị, tỉnh kêu gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với quy mô dự án 50 ha, tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng.
Trước đề xuất của tỉnh Hậu Giang quy hoạch nơi đây thành Khu du lịch sinh thái quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là tài sản quý của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, tiềm năng rất lớn tuy nhiên thời gian qua chưa được đánh giá đầy đủ để có cách quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Chuyến khảo sát nhằm có thêm thông tin, đánh giá trên cơ sở thực tiễn, từ đó nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm sinh thái và bảo vệ rừng đặc dụng.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2022, tỉnh kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến 30.265 ha, với tổng mức đầu tư 48.175 tỷ đồng, gồm 9 dự án vào khu công nghiệp, 7 dự án vào cụm công nghiệp, 21 dự án nông nghiệp, 31 dự án đô thị, 8 dự án du lịch.
Dự kiến tại Hội nghị xúc tiến đầu năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang.Tỉnh Hậu Giang xác định mục tiêu đến năm 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế; cải thiện thu ngân sách; phấn đấu mỗi năm thu ngân sách nội địa tăng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8-10% và thu ngân sách khoảng 13.000-15.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời trở thành 1 trong 3 địa phương có môi trường cạnh tranh tốt nhất tại ĐBSCL.