Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động trong chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp các hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) theo lời mời của Chính phủ UAE.
Theo chương trình, trong ngày hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu"; phát biểu tại Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); gặp lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị; tiếp Bộ trưởng Đầu tư UAE và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại UAE.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai thiết thực, hiệu quả các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Nổi bật là "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan điểm của Việt Nam khi tham dự Hội nghị là ứng phó biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào. Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này.
Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP28 gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, tầm vóc của Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.