Câu chuyện pháp đình

Thủ đoạn thâu tóm SCB của “bà trùm” Trương Mỹ Lan

Văn Kỳ 05/03/2024 - 12:31

Trong vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng SCB. Vậy con đường “vươn vòi bạch tuộc” để khống chế, kiểm soát gần như hoàn toàn SCB đã được “bà trùm” này thực hiện ra sao?

Lập "hệ sinh thái" khổng lồ

Nói đến Vạn Thịnh Phát, trong suy nghĩ của người dân TP.HCM đều trầm trồ, biết đến đó là một doanh nghiệp lâu đời, siêu giàu có, một doanh nghiệp gia tộc, kín tiếng sở hữu những bất động sản siêu đắt đỏ, đắc địa bậc nhất của thành phố đầu tàu kinh tế.

Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra phanh phui hành vi thâu tóm, kiểm soát SCB của tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì dư luận mới vỡ lẽ, việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để phục vụ lòng tham vô đáy, bất chấp pháp luật của cá nhân này.

w_truong-my-lan-2(1).jpg
Chân dung "bà trùm" Trương Mỹ Lan sa cơ.
z5217901379356_f9d404deae28ef55951473b8f6a50d33(2).jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan (áo trắng)

Chúng ta tiếp cận vụ án bắt đầu bằng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có trụ sở 193-203 Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quận 1, TP.HCM, do Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên Vạn Thịnh Phát được hiểu đúng hơn với tư cách là cái tên để gọi chung cho hệ thống doanh nghiệp “con”. Theo cáo trạng, dưới trướng cái tên Vạn Thịnh Phát có tới hơn 1000 công ty ở dạng công ty con, liên kết, có vốn ngoại và có mặt gần như ở tất cả các lĩnh vực hàng đầu tại TP.HCM.

w_chu-lap-co(1).jpg
Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa.

Tuy nhiên, có thể hiểu tập đoàn vận hành quanh trục của 4 nhóm doanh nghiệp chính: Nhóm doanh nghiệp là định chế tài chính (ngân hàng, công ty chứng khoán, đầu tư tài chính… trong đó ngân hàng là hạt nhân cung cấp, điều phối vốn); Nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (nhà, đất, nhà hàng, khách sạn… nhóm này giữ vốn lớn chi phối các công ty khác); Nhóm doanh nghiệp có vốn ngoại, công ty ngoại (các công ty được thành lập ngoài lãnh thổ, hoặc các công ty ở “thiên đường trốn thuế”); Nhóm doanh nghiệp “ma” (đây là doanh nghiệp bình phong để làm công cụ phục vụ mục đích tài chính).

w_truong-hue-van-2(1).jpg
Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu bị cáo Lan, là người có vai trò lớn trong Vạn Thịnh Phát.

Như vậy, với 4 trục doanh nghiệp, với hơn 1000 công ty lớn, nhỏ, nội ngoại, đủ các lĩnh vực; trong đó có 2 lĩnh vực huyết mạch là tài chính ngân hàng và bất động sản. Có thể nói, từ đây, Vạn Thịnh Phát được ví như một con bạch tuộc khổng lồ do Trương Mỹ Lan đứng đầu điều khiển. Từ đó, bị cáo cùng các đồng phạm, các pháp nhân khác sử dụng hệ sinh thái vào mục đích thực hiện hành vi phạm tội.

Thâu tóm, kiểm soát SCB

Hệ sinh thái khổng lồ và vô cùng phức tạp, với tham vọng lớn, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm cổ phần ngân hàng SCB để từ đó dùng nguồn tiền này đưa vào các doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát. Về SCB, đây là ngân hàng được hợp nhất từ 3 ngân hàng khác tại thời kỳ khủng hoảng nợ xấu giai đoạn 2010-2011 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).

1.ipg.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan lập ra khoảng 1000 công ty con, chi phối vốn tại SCB.

Theo quy định, cổ đông nắm giữ 5% cổ phần được xem là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cáo trạng, trước khi hợp nhất thành SCB, Trương Mỹ Lan là cổ đông chiếm hữu phần lớn cổ phần tại 3 ngân hàng này. Sau hợp nhất, bị cáo Lan nhờ thân hữu đứng tên, khi hợp lại thì “bà trùm” này sở hữu 85,606% cổ phần của SCB. Tiếp đến, bị cáo tiếp tục dùng xảo thuật, nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 91,545% cổ phần tại SCB. Tính đến trước khi bị khởi tố, khoảng tháng 10/2022 thì 91,536% cổ phần của SCB thuộc về hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng này gần như là ngân hàng của gia đình bị cáo Lan.

Song song với việc kiểm soát SCB, với quyền lực không giới hạn, “bà trùm” Vạn Thịnh Phát nắm quyền “chia bài”, phân bổ, bố trí nhân sự chủ chốt để dễ sai khiến. Do đó, gần như trong thời gian dài, SCB làm nhiệm vụ của định chế tài chính, theo quy định pháp luật thì ít mà phục vụ cho mục đích tư lợi của gia đình Vạn Thịnh Phát thì nhiều. Tổng số tiền bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát rút là hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB, qua đó chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng.

chu-tich-tap-doan-van-thinh-phat-truong-my-lan-bi-bat-happy-live-1-1700275734337746274124(1).jpg
Đế chế Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bị cáo Trương Mỹ Lan

Hậu quả, khi “quả bóng” sai phạm khổng lồ căng đến đỉnh điểm đã bị vỡ tại SCB. Ngân hàng SCB gần như không thể thanh khoản các khoản tiền gửi, tiền mua trái phiếu của cá nhân, tổ chức, gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có tại ngân hàng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn thâu tóm SCB của “bà trùm” Trương Mỹ Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO