Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung cả nước

Kim Sáng| 04/02/2023 10:04

Năm 2023, Tây Ninh đặt mục tiêu duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Để hiện thực hoá mục tiêu này và các mục tiêu còn lại, tỉnh đề ra 20 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Theo quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2023, Tây Ninh đặt mục tiêu duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá của tỉnh. Cải thiện chỉ số cải cách hành chính, môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc tốt sức khoẻ nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; thu hút du lịch. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Theo đó, tỉnh đề ra 20 chỉ tiêu, gồm 10 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 7 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 3 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường.

Về kinh tế, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.100 USD. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 108 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế trong GRDP (giá hiện hành - chưa tính thuế sản phẩm Nông - lâm - thủy sản: 18-19%; Công nghiệp - xây dựng: 46-47%; Dịch vụ 29-30%). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.000 tỷ đồng.

Du lịch là một trong những lĩnh vực được Tây Ninh tập trung đẩy mạnh trong những năm qua

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn chiếm 37% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%. Tổng mức bán lẽ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 12%.  Kim ngạch xuất khẩu tăng 8%.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm từ 0,15-0,2%. Tỷ lệ thất nghiệp (khu vực thành thị: 1.4%; khu vực nông thôn: 1,8%). Số lao động có việc làm tăng thêm 16.000 lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 73%. Đạt 8,3 bác sĩ/vạn dân và 28 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) còn dưới 19,2%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 91,5%, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về môi trường, duy trì tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2022 (66%). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%. Duy trì tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình;

Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung  cả nước

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Tích cực đôn đốc thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2026 về thể chế và phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành và giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ;

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, chưa tương thích giữa các cơ sở dữ liệu, phần mềm kết nối gây khó khăn cho công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025”…;

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục biểu hiện làm việc cầm chừng, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm;

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường củng cố, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO