Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Tâm Phúc| 22/04/2022 12:06

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân.

a1-w892-h500.jpg

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị liên tịch thường niên tổng kết công tác phối hợp năm 2021 và trọng tâm phối hợp năm 2022. Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, công tác phối hợp của hai cơ quan tiếp tục được củng cố tăng cường, ngày càng được đổi mới về nội dung và hình thức; có sự trao đổi, bàn bạc, thảo luận, thống nhất giữa lãnh đạo của hai cơ quan thông qua gặp gỡ trao đổi, hội nghị, tọa đàm và bằng văn bản.

Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội; trong phối hợp công tác xây dựng pháp luật...

Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết công tác phối hợp của hai cơ quan trong năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp năm 2022. Đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đổi mới phương thức làm việc. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ tạo điều kiện cho Chính phủ có chỉ đạo điều hành kịp thời giải quyết khó khăn trong đại dịch. 

Đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm cho chính sách khen thưởng đối với người có công trong đại dịch, chính sách an sinh xã hội. Kiến nghị kiện toàn bộ máy MTTQ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của MTTQ giúp thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của MTTQ; quan tâm chính sách để các chuyên gia trong các hội đồng tư vấn có điều kiện phát huy trí tuệ, trách nhiệm.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật nhất là trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Cũng như trong công tác phối hợp phải kể đến hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp Quốc hội vẫn chưa phản ánh hết được các góc cạnh thực tiễn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân; công tác giám sát, tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân của các Bộ ngành còn hình thức, chưa “đeo bám” đến cùng sự việc, đặc biệt các vụ việc gây bức xúc lớn trong Nhân dân…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ thông qua Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; cơ cấu, vị trí, chức năng, chế độ chính sách của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc xây dựng dự án Luật giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trước mắt ủng hộ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Đề nghị giữ nguyên chế định thanh tra nhân dân trong luật thanh tra đến khi ban hành Luật giám sát, phản biện xã hội được chấp thuận thông qua.

a2-w941-h500.jpg

Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao MTTQ và các tổ chức thành viên đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là tổ chức đại diện của Nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức vô cùng to lớn của năm 2021 sự phối hợp giữa hai cơ quan lại càng được đẩy mạnh, chặt chẽ, thường xuyên góp phần tích cực trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua thách thức, kịp thời giải quyết những việc mới, việc khó, việc chưa từng có tiền lệ.

Trong bối cảnh năm 2022 có rất nhiều việc đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn nữa giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với trọng tâm công tác phối hợp đã đề ra và đề nghị quan tâm một số vấn đề, cụ thể: Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội.

Ba là, trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, đối với chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Nhấn mạnh, vai trò của MTTQ Việt Nam là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham gia các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả.

Bốn là, hai bên tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phối hợp thường xuyên: Tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng tiếp xúc cử tri để thu hút rộng rãi, đông đảo cử tri tham gia với tinh thần luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân và tôn trọng dân. Tăng cường trao đổi thông tin về chương trình và kết quả công tác.

Năm là, đề nghị nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan để chuẩn bị sang năm có thể sơ kết 05 năm thực hiện, sửa đổi những vấn đề nếu xét thấy cần thiết cho phù hợp với tình hình mới.

Sáu là, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu; chủ động đề xuất các chương trình cụ thể nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO