Hà Nội: Thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở

Tâm Phúc| 11/01/2023 10:51

Sáng 11/1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ thông xe Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch đi bằng, theo hình thức BT.

Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao (Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội)

Thông tin từ Cổng GTĐT Hà Nội, tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; cùng lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup - Công ty CP) và các đơn vị thi công…

Tại buổi lễ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết: Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2021, được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đi qua 4 quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 28/4/2018, với chiều dài 5,08km, có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BT.

Việc triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP - loại hợp đồng BT) là một hình thức huy động nguồn lực từ nhà đầu tư để xây dựng công trình là hết sức cần thiết, sớm hoàn thành nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường, tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến, gia tăng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nhân dân trong khu vực, đồng thời, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hoàn thiện theo quy hoạch một trong những tuyến đường Vành đai nội đô quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thành phố.

Sau hơn 4 năm lỗ lực triển khai, giải quyết khối lượng rất lớn, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng (với chi phí khoảng 6.600 tỷ đồng, UBND các quận có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác GPMB trong 2 năm đối với 78 tổ chức, 1.854 hộ dân; bố trí tái định cư khoảng 800 hộ (trong đó có 50 hộ nhận nhà còn lại tái định cư bằng tiền), di chuyển rất nhiều các công trình ngầm nổi (điện, nước, viễn thông...) mà không làm gián đoạn khai thác). Song song với đó, công tác triển khai các công trình hạng mục BT được tổ chức thi công quyết liệt 3 ca, bàn giao mặt bằng đến đâu tổ chức thi công đến đó, vừa tổ chức thi công vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua khu vực dự án. 

Toàn bộ tuyến vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km (Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chủ trì cùng các Sở chức năng, chuyên ngành khẩn trương phối hợp với Nhà đầu tư (Tập đoàn Vingroup - Công ty CP) sớm hoàn thành những nội dung cần hoàn thiện theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng; tổ chức bàn giao các hạng mục của công trình đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện kiểm tra tiếp nhận bàn giao để thực hiện tổ chức giao thông, quản lý, duy tu, duy trì hạng mục đường trên cao; phối hợp với Công an Thành phố, các UBND quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường, nút giao trong khu vực ảnh hưởng sau khi công trình thông xe (đặc biệt là tổ chức giao thông nút giao Ngã Tư Sở) để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. 

Sở Xây dựng tổ chức tiếp nhận bàn giao để thực hiện quản lý, duy tu, duy trì toàn bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước đã đầu tư theo quy định cũng như tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận các hạng mục hào kỹ thuật, bó ống kỹ thuật... đã đầu tư để thực hiện quản lý, duy tu, duy trì ngay theo quy định.

Công an Thành phố phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu điều chỉnh các pha đèn tín hiệu tại các nút giao thông trên các tuyến đường Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, các nút đèn tín hiệu có liên quan cho phù hợp với lưu lượng xe sau khi thông xe dự án đầu tư.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai tiếp nhận để thực hiện quản lý, duy tu, duy trì vỉa hè và tổ chức tuyên truyền vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, chỉnh trang tuyến phố để đảm bảo mỹ quan đô thị; phối hợp với Nhà đầu tư thực hiện công tác quyết toán phần giải phóng mặt bằng của dự án.

Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT.

Toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km, quy mô mặt cắt 50-72,5m, là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín. Hiện nay, tuyến đường Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32km, trong đó, có 03 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO