Việt Nam là thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất về tiêu thụ đồ ăn nhẹ (đồ ăn vặt) và đứng thứ 3 thế giới với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 19,1% năm 2021. Xu hướng chọn sản phẩm tiện lợi, sạch và đầy đủ dinh dưỡng của người tiêu dùng đang dẫn dắt chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen về thị trường đồ ăn nhẹ, mức chi tiêu mỗi tháng giới trẻ Việt Nam dành cho loại thức ăn này lên đến 13.000 tỷ đồng. Người tiêu dùng hiện đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm đồ ăn nhẹ ví dụ như bắp rang bơ, trà sữa, mì cay, chân gà xiên que, xúc xích, bánh tráng trộn,... vượt trên cả chỉ tiêu cho các sản phẩm phục nhu cầu cấp thiết mỗi ngày.
Trong đó, Việt Nam là thị trường châu Á tăng trưởng nhanh nhất về tiêu thụ đồ ăn nhẹ và đứng thứ 3 thế giới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) với mức tăng 19,1% trong năm 2021, chỉ đứng sau Argentina (25,8%) và Slovakia (20%). Thị trường đồ ăn nhẹ tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức hai con số trong giai đoạn dự báo từ năm 2018 - 2022.
Việc các doanh nghiệp Việt Nam đưa văn hóa phương Tây và mức chi tiêu dành cho đồ ăn vặt tăng lên là cơ hội rộng mở đối với ngành hàng này trong những năm tới. Gần đây, người tiêu dùng trẻ tuổi dường như không còn xu hướng ăn ba bữa truyền thống mỗi ngày, mà áp dụng chế độ ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Họ cũng tiêu dùng nhiều đồ ăn vặt, đồ ăn nhẹ hơn, với mức trung bình 8 lần/tuần và chi tiêu xấp xỉ 0,7 USD/lần.
Song, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, hành vi người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển sang các sản phẩm đồ ăn nhẹ sạch, có nguồn gốc rõ ràng và tốt cho sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân chính kích thích sự gia tăng xu hướng ăn kiêng mới, đó là chế độ ăn gluten-free (chế độ ăn không bao gồm protein gluten) hay keto (chế độ ăn rất ít carb).
Thói quen của người tiêu dùng thay đổi trong cả việc tiêu thụ thức ăn hàng ngày lẫn thưởng thức đồ ăn vặt với mục đích bổ sung dinh dưỡng và thưởng thức hàng ngày. Họ đang tìm kiếm các sản phẩm ăn vặt mang lại nhiều lợi ích hơn, bên cạnh sức khỏe thể chất và nhu cầu dinh dưỡng.
Ngoài ra, đồ ăn vặt tiếp tục đóng vai trò như một phương tiện cải thiện tinh thần. Gần 8/10 người tiêu dùng toàn cầu đồng ý rằng một số món ăn nhẹ chỉ cần quan tâm đến giá trị thưởng thức mà không cần lo lắng quá nhiều về dinh dưỡng (79%).
Báo cáo cho thấy, xu hướng tiêu dùng và ăn vặt lấy giá trị làm trung tâm ngày càng được quan tâm hàng đầu. Có 86% người tiêu dùng tin tưởng vào tầm quan trọng của việc kiểm soát lượng tiêu thụ thức ăn nhẹ của họ thông qua các lựa chọn khẩu phần và thông tin rõ ràng về thành phần của sản phẩm.
Với tốc độ của cuộc sống hiện nay, người trẻ luôn khiến họ rất ít thời gian để chuẩn bị bữa ăn cho mình. Thay vào đó, họ sẽ nghiêng về thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn. Các ứng dụng gọi đồ ăn ngoài cũng phát triển như vũ bão và trở thành xu hướng.
Tương tự, báo cáo thường niên của Tập đoàn Mondelēz International năm nay cũng chỉ ra vấn đề ăn nhẹ trong cuộc sống của người tiêu dùng ngày càng được mở rộng, đồng thời khẳng định các bữa ăn nhẹ tiếp tục vượt xa bữa chính trong năm thứ ba liên tiếp với tốc độ đáng kể (đạt 64%, tăng 5% kể từ năm 2019). Đa số người tiêu dùng toàn cầu mong muốn có thể mua các sản phẩm thức ăn họ muốn vào bất cứ khi nào và sử dụng bất kỳ kênh nào họ muốn.
Xu hướng này đặc biệt mạnh mẽ ở châu Á và châu Mỹ La Tinh… Tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm đang là một trong những nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất. Mức chi tiêu của người tiêu dùng dành cho đồ ăn vặt hiện tại sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất cung cấp đồ ăn nhẹ phát triển.
Nắm bắt được xu hướng này, các doanh nghiệp kinh doanh phát triển nhiều mặt hàng đồ ăn vặt, những quán ăn vặt được đặt trên các tuyến phố với những phong cách độc đáo, mới lạ. Đồng thời, những doanh nghiệp cho thấy những nỗ lực xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe, nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì sẽ lợi thế cạnh tranh trên thị trường.