Quá trình lập quy hoạch, quản lý sử dụng đất, tài sản công của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 -2019 có nhiều sai phạm, trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh.
Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo Kết luật thanh tra tại Bình Dương về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý đất đai đầu tư xây dựng thời kỳ 2011-2019.
Quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác lập quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và triển khai dự án Bình Dương. Cụ thể, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011- 2015 của tỉnh chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc về phù hợp với quy hoạch quốc gia.
Nhiều dự án có chủ trương đầu tư, đã giao đất nhưng không đưa đất vào sử dụng chậm triển khai dự án trong thời gian dài so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án đầu tư được duyệt. UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trực thuộc không xử lý để thu hồi theo quy định, không kiên quyết xử lý các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp thuê lại, không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp, (không có quyền sử dụng đất ở) đối với một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại là chưa thực hiện đúng với Luật Đất đai 2013.
UBND tỉnh thu hồi trụ sở nhà đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng tỉnh ủy cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án ở Bình Dương thuê để sự dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ không qua đấu giá là trái với quy định tại Luật Đất đai 2013, đồng thời vi phạm Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Trong quá trình bán đấu giá 4 tài sản công gồm: trụ sở cũ của Sở Công thương, Sở GTVT, Hội chữ Thập đỏ và Hội Cựu chiến binh, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá 2 lần bằng cách giả 3% so với giá khởi điểm lần 1, giá khởi điểm lần 3 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 2 là vi phạm Điều 11, Thông tư số 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc lấy giá khởi điểm lần 3 để đấu giá lần thứ 4 là vi phạm quy định Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét hủy kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra công tác xác định giá đất chưa làm đúng theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, qua thanh tra đã phát hiện phương án giá đất cụ thể của 5 dự án tính toán chưa chính xác, cần tổ chức xác định lại giá đất để thu cho đúng, tránh thất thu ngân sách.
Qua công tác thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng đất đai như: Quản lý đất công chưa chặt chẽ, gây lãng phí; Công tác quản lý đất đai ở các huyện, thị, thành còn lỏng lẻo để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép; Dự án phát triển nhà thương mại chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa đủ điều kiện huy động vốn đã ký hợp đồng huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau; Một số đơn vị được giao đất lâm nghiệp quản lý, sử dụng để tình trạng xâm canh, lấn chiếm, xây dựng trái phép; Từ 2015-2017 Sở Xây dựng và Sở KH&ĐT không yêu cầu chủ đầu tư của 147 dự án đầu tư thuộc diện phải ký quỹ đảm bảo đầu tư số tiền 92,5 tỷ là vi phạm Luật Đầu tư; Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho từng lô đất nhỏ khi dự án chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, chưa đủ điều kiện tách thửa vi phạm Nghị định của Chính phủ; Cục thuế không kịp thời chỉnh đơn giá cho thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm khi hết chu kỳ 5 năm là vi phạm quy định của Chính phủ.
Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo, điều hành. Giám đốc các Sở TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng, NN&PTNT, Cục trưởng Cục thuế và Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót đã nêu trên.