Tài chính

Thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, cần đáp ứng điều kiện nào?

Nhật Minh 07/05/2023 - 18:00

Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nghị định số 21/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ điều kiện cấp và thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

microinsurance.jpg
Ảnh minh họa

Điều kiện thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Theo quy định, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm cụ thể như sau:

1- Có vốn thành lập bằng Đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

- Vốn góp của cá nhân là thành viên sáng lập. Thành viên sáng lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;

- Hỗ trợ của tổ chức đại diện thành viên;

- Tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án;

- Các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

2- Nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

3- Dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định tại Điều 8 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập

Bên cạnh đó, Nghị định số 21/2023/NĐ-CP cũng quy định rõ việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Theo đó, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;

b- Hoạt động không đúng với nội dung tại Giấy phép thành lập và hoạt động;

c- Không khắc phục được tình trạng vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP;

d- Không thể tăng số lượng thành viên theo phương án đã báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP;

đ- Tự nguyện giải thể.

Đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b thì trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d thì trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp quy định tại điểm đ thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấm dứt hoạt động kể từ ngày Bộ Tài chính có quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.

Bảo hiểm vi mô (Microinsurance) là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang được mở rộng tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó, người thu nhập thấp đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi xảy ra rủi ro. Với đặc trưng là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi, bảo hiểm vi mô đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản.

Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 đến 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân cư thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp này, bảo hiểm vi mô sẽ là cứu cánh hữu hiệu cho công tác an sinh, góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, cần đáp ứng điều kiện nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO