Trong năm 2022, Tây Ninh phấn đấu có 15 - 20 sản phẩm chương trình OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (nâng tổng sản phẩm chương trình OCOP của tỉnh lên 42 – 47), trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao (nâng tổng sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh lên 7 sản phẩm trở lên)…
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của làng, xã, cộng đồng theo chuỗi giá trị.
Tây Ninh bắt đầu thực hiện chương trình OCOP từ năm 2020 theo Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trải qua 2 năm, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 27 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, với 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 22 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hỗ trợ thuê 6 gian hàng, tổ chức cho5 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, 3 chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 với chủ đề "Liên kết cùng phát triển"; vận động 12 chủ thể OCOP, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia “Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh năm 2022”.
Bên cạnh những mặt đạt được thì việc triển khai thực hiện chương trình OCOP cũng gặp một số khó khăn, do đây là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên giai đoạn đầu triển khai, các Sở, ban, ngành và các địa phương còn lúng túng trong cách làm và chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Mặt khác, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và hoạt động đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp dẫn tới số lượng và sản phẩm OCOP của tỉnh còn ít và chưa đa dạng.
Trong thời gian tới, ngành tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh phấn đấu có từ 15 - 20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 42 – 47 sản phẩm), trong đó có từ 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao (nâng tổng sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh lên 7 sản phẩm trở lên), tập trung vào các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 và triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu kế hoạch hàng năm. Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khen thưởng các chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP nhằm khuyến khích, tôn vinh, tạo động lực cho các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cũng như duy trì và nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận. Đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chương trình bằng việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện CTMTQG nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn vốn khuyến nông, khuyến công, các nguồn vốn lồng ghép Trung ương và địa phương khác đồng thời huy động các nguồn vốn xã hội hóa gồm vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn tín dụng, vốn vay… Thường xuyên tổ chức tập huấn, tham gia các diễn đàn OCOP để học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình và cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu, nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh nhà. |