Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Tâm Phúc| 26/09/2020 15:45

Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính… đó là những kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

fd9d4d94279d7ffda1-w1024-h683.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp (Ảnh: VGP)

Sau khi nghe báo cáo các đơn vị có liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (Ủy ban) đã kết luận, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh trong khi vẫn bảo đảm được ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng toàn xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã được thế giới đánh giá là điểm sáng, qua đó nâng cao vị thế của đất nước, biến nguy thành cơ, tạo đà tiếp tục phát triển.

Công tác thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử được tiếp tục quan tâm, tăng cường, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quan trọng về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… Các nền tảng Chính phủ điện tử được phát triển nhanh.

Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp đạt 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày cảng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã đi vào nền nếp, với tỷ lệ đạt 88,5%, có trên 2,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điểu hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được khai trương ngày 19/8/2020.

Bộ máy chỉ đạo điều hành về Chính phủ điện tử các cấp tiếp tục được kiện toàn, Uỷ ban được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế sổ, đô thị thông minh, các Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương cũng đang được mở rộng chức năng, nhiệm vụ tương ứng.

Một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, Bộ TTTT cũng đã có văn bản hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Bộ TTTT có sáng kiến hay, hàng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay đã có hàng chục nền tảng được ra mắt….

Thủ tướng cũng đã chỉ ra những tồn tại chưa được khắc phục nhanh như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số Nghị định quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử chưa được ban hành. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, 8 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10%. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nễn tảng phát triển Chính phủ điện tử triển khai chậm, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.

Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho công nghệ thông tin. Việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia của các bộ, ngành, địa phương chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, đến nay chỉ có một vài bộ, địa phương bắt đầu xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số của riêng mình.

 Thủ tướng yêu cẩu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TTTT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong quý III/2020.

Bộ TTTT hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong quý III/2020, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của Việt Nam.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ TTTT thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.

Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ TTTT xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Bộ TTTT cần phương án rõ ràng, bảo đảm không ách tắc, tin tránh lãng phí…

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 7/2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc. Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựmg, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong tháng 7/2021. 

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Bộ TTTT chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số gia trong năm 2020. Khẩn trương xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số, trong đó, lồng ghép các nội dung Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số. Hoàn thành trong quý II/2020.

Duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội sau thời gian dịch bệnh Covid- 19 để chuyển sang một trạng thái bình thường mới, khi các hoạt động của mỗi cơ , tổ chức được chuyển dần lên môi trường số, dựa nền tảng công nghệ số. 

Khẩn trương xây dựng, công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trong năm 2020. Bắt đầu từ năm 2021 thực hiện đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Xây dựng, báo cáo Thủ tướng về Đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hoá (Bộ TTTT) với cơ cấu tổ chức phù hợp và các chế độ ưu đãi, cơ chế tài chính đặc thù nhằm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, bảo đảm đủ năng lực, nguồn lực để tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO