Nội chính

Tăng trưởng tín dụng vùng Đông Nam Bộ thấp nhất cả nước

Nguyễn Trang 11/05/2023 23:01

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm của khu vực Đông Nam Bộ đang thấp hơn so với cả nước.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra tại Hội nghị ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ, tổ chức tại TP.HCM, chiều 11/5.

thao-go-kho-khan-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-vung-dong-nam-bo.jpg
Các đại biểu chủ trì hội nghị

Dư nợ Đông Nam Bộ là 35%

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất cả nước với tổng GDP năm 2022 chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp.

Cụ thể, báo cáo của NHNN cho biết, đến hết quý 1/2023, khu vực Đông Nam Bộ với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tài chính, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, huy động vốn vẫn thấp hơn mức tăng chung của cả nước 1,24% và tín dụng vẫn thấp hơn mức tăng chung cả nước là 2,61%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tín dụng ở khu vực này tăng trưởng thấp, lãnh đạo NHNN cho rằng, ngoài các nguyên nhân chung như do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; khó khăn dây chuyền từ nhóm doanh nghiệp bất động sản, thì khu vực Đông Nam Bộ còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố riêng của vùng đã tác động cộng hưởng dẫn tới tăng trưởng tín dụng của khu vực thấp hơn so với toàn quốc.

img_2850.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo tại hội nghị

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại Đông Nam Bộ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 633.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng (chiếm 25% dư nợ khu vực).

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp tới cầu tín dụng.

Ở góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết kinh tế TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

img_2882.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị tại hội nghị

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết có gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản. Đối với khoản vay đến hạn, thanh toán gặp khó khăn do hàng bán không được.

Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp ngại tiếp cận một mặt do nhu cầu thấp, một mặt ngại phải làm việc với các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho hay tiềm năng và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp ít tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất, do ngại phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán...

Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục kinh tế

Trước dự báo nền kinh tế những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị NHNN xem xét định hướng mạnh mẽ hơn nữa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng nhìn chung vẫn còn khá cao, do đó các kiến nghị mong muốn ngành ngân hàng giảm lãi suất xuống mức từ 7-8% để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về chính sách thương mại, có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu nhằm tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; thu hút FDI, FII, góp phần thu hút được các dòng vốn ngoại tệ về nước, từ đó làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế.

Để tháo gỡ toàn diện những khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo NHNN cho rằng không chỉ có giải pháp tín dụng, mà cần đến các giải pháp hỗ trợ khác như chính sách hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ thương mại, mở rộng thị trường, tháo gỡ các nút thắt pháp lý đầu tư, pháp lý kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng tín dụng vùng Đông Nam Bộ thấp nhất cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO